BỆNH ĐAU MẮT ĐỎ DỊCH CẤP
Bệnh đau mắt đỏ dịch cấp (còn gọi là viêm kết mạc cấp tính) là một chứng bệnh rất phổ biến ở Việt Nam, thường bùng phát thành dịch vào mùa hè, khoảng tháng 6 – tháng 7 và đôi khi vào tháng 9 khi thời tiết ẩm thấp, thuận lợi cho sự lây lan của virus. Nguyên nhân chủ yếu là do AdenoVIRUS nhưng cũng có thể do những vi rút khác như coxsakivirus hay đường ruột enterovirus.
Dịch thường xảy ra ở mọi lứa tuổi, thường ở những nơi như nhà trẻ, học đường, cư xá nội trú, công sở, và đôi khi là phòng khám của bác sỹ do vi rút tồn tại trên bề mặt dụng cụ khám chữa bệnh không được tiệt trùng đầy đủ sau khi khám cho người bệnh, bàn ghế, nắm cửa, nút bấm cầu thang.
Đường truyền bệnh thường do tiếp xúc trực tiếp với dịch của đường hô hấp qua ho, nước mũi, nước bọt, và nước mắt của người mắc bệnh qua bắt tay, chăm sóc, tiếp xúc trực tiếp với người bệnh. Thường thì một thành viên trong gia đình bị mắc và lây truyền cho các thành viên khác của gia đình và lây nhanh ra cộng đồng xung quanh.
Triệu chứng thường gặp bao gồm: ngứa cộm, nóng bỏng trong mắt, chảy nước mắt, cộm mắt, nhạy cảm với ánh sáng, mắt có dử (ghèn), mí mắt dính bết vào buổi sáng. Triệu chứng thường ở một mắt và mắt kia cũng thường bị sau đó mấy ngày. Bạn có thể có các triệu chứng toàn thân như sốt, nổi hạch góc hàm hoặc trước tai. Khi bạn bị đau mắt đỏ cấp nên chú ý bạn có tiếp xúc mấy ngày trước với người lớn, trẻ có biểu hiện đau mắt đỏ không.
Lời Khuyên:
Lời khuyên 1. TÌM ĐẾN BÁC SỸ MẮT khi bạn hoặc người nhà bị đau mắt đỏ. Bác sỹ của bạn sẽ giúp đánh giá mức độ/giai đoạn lâm sàng và nguyên nhân của đau mắt đỏ và đề ra giải pháp điều trị thích hợp. Bác sỹ có thể kê thuốc tra antihistamine nếu như triệu chứng ngứa gây khó chịu đáng kể. Trong trường hợp bác sỹ của bạn tìm thấy màng/màng giả (membrane/pseudomembrane) bác sỹ của bạn sẽ có thể làm sạch nó, có thể kê steroid tại chỗ, hoặc đôi khi kết hợp kháng sinh và steroid như tobradex.
Lời khuyên 2. tránh tự chữa (nhất là không tự dùng các thuốc nhỏ mắt có chứa corticosteroid, https://giaidapbenhmatthongthuong.wordpress.com/2014/03/28/tac-dung-co-hai-cua-steroid-tren-mat/) vì có thể làm bệnh nặng, GÂY khó khăn cho việc điều trị và gây biến chứng nguy hiểm cho thị lực. KHÔNG TỰ DÙNG KHÁNG SINH vì bệnh do vi rút không đáp ứng với kháng sinh. Cho đến thời điểm hiện nay chưa có thuốc đặc trị rõ ràng cho viêm kết mạc do vi rút adeno mặc dù có những báo cáo về tác dụng của ganciclovir 0.15%, cidofovir 0.2 % và trifluridine 1%.
Lời khuyên 3. Khi bạn bị đau mắt đỏ dịch cấp, biện pháp tốt nhất là điều trị triệu chứng và phòng lây lan cho người khác bằng cách (1) giữ vệ sinh sạch sẽ: rửa tay thường xuyên, dùng riêng khăn, chậu (thau) rửa mặt, gối và rửa sạch mắt đau tốt nhất bằng gạc hoặc bông ẩm rồi vứt đi; (2) không dùng thuốc mắt chung, không dụi mắt; (3) không đi bơi và tránh bắt tay, tới nơi đông người; (4) cho trẻ nghỉ ở nhà, ngủ riêng và tránh ôm ấp trẻ khi bị đau mắt dịch cấp khi vẫn còn đỏ và chảy nước mắt.
Lời khuyên 4. Sử dụng nước muối sinh lý 0,9% hoặc nước mắt nhân tạo 4 – 8 lần/ngày và chườm lạnh vài lần/ngày giúp xoa dịu cảm giác cộm và khó chịu ở mắt.
Bệnh đau mắt dịch đỏ cấp tuy có triệu chứng rầm rộ khoảng 4-7 ngày thường tự khỏi sau khoảng 2 đến 3 tuần, trừ khi có biểu hiện ở kết mạc
http://www.youtube.com/watch?v=JQSP0e4dAUQ
Thông tin tham khảo:
http://www.aao.org/theeyeshaveit/red-eye/viral-conjunctivitis.cfm
Chúc các bạn phòng tránh tốt bệnh đau mắt đỏ cho bạn và gia đình!
Bác sỹ mắt Mai Thế Anh.