Giới thiệu chung
Chấn thương mắt khá phổ biến và có thể từ rất nhẹ như bầm tụ máu quanh mí mắt cho tới đến những chấn thương nghiêm trọng như đụng giập nhãn cầu và có thể gây hậu quả nghiêm trọng giảm và mất hoàn toàn thị lực.
Theo con số thống kê của Hoa kì thì cứ 100.000 người dân Mỹ sẽ có 1.400 người có chấn thương về mắt trong cuộc đời mình. Viện Hàn lâm Nhãn khoa Hoa kì ghi nhận 2,5 triệu chấn thương mắt hàng năm, quá nửa trong số đó xảy ra trong lúc làm việc tại nhà. Khoảng 300.000 chấn thương về mắt là nguyên nhân dẫn tới thăm khám cấp cứu. 94% trong số các chấn thương mắt xảy ra đã có thể phòng ngừa được nếu đeo kính bảo vệ mắt. Mặc dù vậy khảo sát thống kê cho thấy chỉ có 35% người được hỏi đeo các thiết bị bảo vệ mắt trong khi lao động tại nhà.
Ở Việt Nam, đa số (51,7%) tai nạn gây chấn thương mắt ở Việt Nam xảy ra trong quá trình lao động sản xuất, tiếp theo là do tai nạn trong sinh hoạt (34,6%) và còn lại là do tai nạn giao thông và thể thao.
Mục đích của bài viết này là nhằm giúp sơ cứu những chấn thương thường gặp ở mắt tại nhà và tuyến y tế cơ sở và giúp mọi người tự phòng tránh những rủi ro gây chấn thương mắt.
Các tổn thương mắt do chấn thương:
Những tổn thương mắt thường rất đa dạng và có thể chỉ là những tổn thương như bụi vào mắt, bỏng giác mạc nhẹ do nắng cho tới những tổn thương nghiêm trọng ở mí mắt, lệ quản, giác mạc. Chấn thương đụng giập hay xuyên thủng mắt có thể gây tụ máu sau hốc mắt; gãy xương ổ mắt; tổn thương rách mống mắt; đục thủy tinh thể (hoặc lệch chỗ thủy tinh thể); hay những tổn thương chảy máu tiền phòng, dịch kính, chảy máu nội/dưới võng mạc; bong dịch kính; phù nề/bong võng mạc; glôcôm thứ cấp (cao nhãn áp, tổn thương dây thần kinh thị sau chấn thương); dị vật nội nhãn; chấn thương dây thần kinh thị, v.v… dẫn tới mất thị lực hoặc thậm chí mù lòa.
Sơ cứu chấn thương mắt tại chỗ (gia đình, hàng xóm, cơ quan, v.v…)
Nếu là bỏng mắt, xem bài “Bỏng Mắt Và Cách Sơ Cứu”.
Những trường hợp khác không tự ý lấy dị vật ra khỏi mắt hoặc tự thao tác sơ cứu chấn thương mắt vì nguy cơ làm dị vật càng xuyên vào sâu trong mắt, hoặc gây tổn thương giác kết mạc.
Sử dụng gạc hoặc nếu có miếng nhựa cứng băng che, bảo vệ mắt và mang ngay nạn nhân tới cơ sở khám mắt, hoặc nếu không thể tới cơ sở y tế gần nhất để có sơ cứu đúng đắn.
Cấp cứu chấn thương mắt do tuyến y tế cơ sở trước thăm khám của chuyên khoa mắt:
Nếu là bỏng mắt, xem bài “Bỏng Mắt Và Cách Sơ Cứu”.
Thu thập thông tin đầy đủ để chuyển bệnh nhân mắt tới cơ sở khám chuyên khoa mắt sau sơ cứu (hãy làm cho mình một checklist sẵn cho các trường hợp chấn thương mắt):
Thời gian, địa điểm và người làm chứng (trường hợp đánh nhau, hoặc chấn thương đáng ngờ ở trẻ).
Loại chấn thương: đụng giập hay chấn thương xuyên thủng.
Tình trạng toàn thân như đa chấn thương, chấn thương đầu, v.v…
Ghi nhận mức độ tỉnh táo của nạn nhân. Bữa ăn và thức uống lần cuối là gì và khi nào? (phòng trường hợp mổ gây mê cấp cứu).
Ghi nhận đầy đủ các biểu hiện ở mắt như các triệu chứng của bỏng rát, chảy nước mắt; đau mắt, chảy máu/rách mí mắt; giảm, mất thị lực; đốm trong mắt/ruồi bay (floaters) hay chớp sáng trong mắt (flashing); mất một phần thị trường; nhìn đôi, v.v…
Tiền sử bệnh lý toàn thân và về mắt, các thuốc toàn thân/tại chỗ và thuốc mắt. Tình trạng dị ứng?
Tình trạng tiêm phòng uốn ván? Các bệnh lý dễ lây qua đường máu HIV? Viêm gan?
Điều kiện gia đình, xã hội (rất quan trọng trong trường hợp nghi ngờ lạm dụng trẻ em) và tình trạng nghiện rượu, ma túy nếu có.
Thực hiện các biện pháp sơ cứu cần thiết:
Thực hiện cấp cứu cứu tính mạng đầu tiên trước khi sơ cứu mắt.
Tiêm phòng uốn ván nếu cần: thường nếu bệnh nhân đã được tiêm phòng đủ 3 lần uốn ván và có liều củng cố trong vòng 10 năm qua thì sẽ không cần thiết. Nếu không, tiêm phòng uốn ván theo hướng dẫn quốc gia.
Không tự lấy dị vật ra khỏi mắt, nhất là trong các trường hợp chấn thương đụng dập hoặc xuyên thủng mắt.
Sử dụng các thuốc kháng sinh mỡ như chloramfenicol 1%, erythromycine 0.5 %, nếu có terra-cortril (hydrocortison/oxytetracycline/polymyxine B) để bảo vệ mắt nếu có chậm chễ trong việc thăm khám của chuyên khoa mắt (do điều kiện đa chấn thương, hoặc do khoảng cách tới cơ sở thăm khám mắt).
Bảo vệ mắt bằng miếng nhựa cứng che mắt, tránh đụng dập gây chấn thương thêm cho mắt.
Đối với những chấn thương bất thường do bạo lực, trong một hoàn cảnh đáng ngờ ở trẻ (battered baby/child), nên nghĩ tới lạm dụng trẻ em – child abuse. CHUYỂN TRẺ TỚI BÁC SỸ MẮT ĐỂ SOI ĐÁY MẮT NẾU NGHI NGỜ (Hội Chứng Rung lắc Trẻ, shaken baby syndrome?).
Cho các thuốc giảm đau cần thiết như paracetamol/codein, v.v…
Chuyển bệnh nhân kịp thời tới cơ sở chuyên khoa mắt, hoặc mời chuyên khoa mắt hội chẩn.
Làm gì để ngăn ngừa, hạn chế chấn thương mắt? Hãy sử dụng nó như checklist của bạn!
Luôn đeo kính, kính chắn hay mặt nạ/lá chắn chuyên nghiệp (Hình 2) khi làm vườn, cắt cỏ, tuốt lúa, đóng đinh, hàn cắt kim loại, dùng dụng cụ rửa sân dùng áp thủy lực, sửa chữa ắc quy ô tô (tôi từng gặp bệnh nhân bị ắc quy nổ vào mặt trong khi sửa chữa), hay tiếp xúc/rửa hóa chất; khi sửa chữa nhà cửa, dụng cụ trong gia đình.
Luôn rửa tay sạch sau khi tiếp xúc với hóa chất để tránh dụi mắt và gây tổn thương mắt do hóa chất sau đó.
Luôn cẩn thận khi dùng dây thun và không dùng dây thun cũ để buộc/ràng hàng hóa vào xe đạp, xe máy.
Nếu đã mở champagne, nên dùng hết. Một chai champagne 750 ml tạo áp lực khoảng 4.2 bar và có khả năng gây nổ khi dùng lại. Luôn mở champagne với hướng nắp champagne xa khỏi nơi có người đứng hoặc mặt của người mở!!!
Đeo kính bảo vệ mắt khi đi câu cá hoặc chơi các môn thể thao có thể gây chấn thương mắt như bóng chày, khúc côn cầu, painball, nhất là khi bạn có tiền sử điều trị LASIK hay mổ giác mạc mắt (xem bài Các Phương Pháp Mổ Điều trị Tật Khúc Xạ).
Đeo kính râm khi ra ngoài nắng để tránh gây chấn thương mắt do tia cực tím và tránh nhìn trực tiếp vào mặt trời, nhất là trong giai đoạn nhật thực.
Khi người già đi vào nhà vệ sinh, nhất là buổi đêm, hoặc khi tắm cần cẩn thận tránh trượt ngã, và có thể gây chấn thương mắt. Nếu được người nhà nên chú ý!
Luôn dùng kính bảo vệ mắt khi đốt pháo hoặc đứng gần nơi pháo nổ, và không để trẻ nhỏ quá gần nơi đốt pháo.
Luôn bảo quản thuốc, hóa chất cẩn thận để tránh đổ tràn, rơi vỡ có thể bắn vào mắt.
Với trẻ nhỏ:
Cẩn thận ngón/móng tay trẻ nhỏ khi chơi cùng với trẻ (tôi từng có một vài bệnh nhân bị trợt giác mạc vì móng tay của trẻ nhỏ).
Theo dõi cẩn thận khi trẻ nhỏ chơi với các dụng cụ có đầu nhọn sắc như máy bay, hoặc bắn súng cao su, v.v… hoặc gần cành đào, cành quất.
Luôn tránh trẻ có thể tới gần bếp lửa, hố vôi, tủ thuốc, thú dữ hoặc lồng chim (kể cả khi ở nhà).
Không tự lấy dị vật, lấy lông quặm ra khỏi mắt. Đến các cơ sở khám mắt chuyên nghiệp để có điều trị thích hợp.
Tài liệu tham khảo:
– Chấn thương mắt do tai nạn lao động, Bệnh Viện Mắt TP HCM: http://www.benhvienmat.com/index.php/news/64/46/Chan-thuong-mat-tai-nan-lao-dong.html.
– Workplace Eye Injuries by the Numbers Infographic, American Academy of Ophthalmology: http://www.aao.org/newsroom/release/workplace-eye-injuries-infographic.cfm.
– Eye Safety At-a-Glance, Vision Council: http://www.thevisioncouncil.org/consumers/media/PDFs/Eye%20Safety%20At%20a%20Glance%20Protecting%20Your%20Vision%20at%20Home%20FINAL.pdf.
– Eye Safety: http://www.cdc.gov/niosh/topics/eye/ ; http://www.cdc.gov/niosh/topics/eye/toolbox-eye.html; http://www.cdc.gov/niosh/topics/eye/eyesafe.html.
– Ophthalmic Manifestations of the Battered-baby Syndrome: http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC1798687/.
– Oxford Handbook of Ophthalmology, second edition, Chapter 3, Oxford University Press, 2009.
– Basic and Clinical Scinece Course, Retina and Vitreous, Chapter 13, American Academy of Ophthalmology, 2009-2010.
– Basic and Clinical Scinece Course, External Disease and Cornea, Chapter 19, American Academy of Ophthalmology, 2008-2009.
– The Wills Eye Manual, Sixth Edition, Chapter 3, Lippincott Williams & Wilkins, 2012.
Theo: https://giaidapbenhmatthongthuong.wordpress.com