Giới thiệu chung:
Cận thị là một tật khúc xạ của mắt trong đó điểm hội tụ của ánh sáng tới mắt từ vô cực nằm trước võng mạc, trong điều kiện mắt không điều tiết. Nói một cách khác khi tia sáng từ một vật thể đi song song vào mắt sẽ được mắt hội tụ trước võng mạc khi không có vai trò của điều tiết. Trên thực tế, trẻ bị cận thị phân biệt chi tiết vật ở gần tốt và nhìn xa mờ nếu không đeo kính.
Cận thị là một tật rối loạn khúc xạ thường gặp nhất và tỷ lệ bị cận thị ở trẻ em khá khác nhau tùy thuộc sắc tộc và lứa tuổi của trẻ (xem phụ lục 1). Tật bao gồm nhiều dạng, tuy nhiêndạng cận thị trục (tức là dài trục trước sau là phổ biến nhất (phụ lục 2). Những nghiên cứu khoa học gần đây thiên về ý kiến cho rằng cận thị là sự kết hợp giữa các yếu tố di truyền và môi trường (phụ lục 3).
Bác sỹ làm gì để phát hiện được con bạn bị cận thị?
Khi con bạn phàn nàn nhìn xa không rõ, đau đầu và đau/mỏi mắt, bạn nên cho con mình khám bác sỹ mắt. Bác sỹ sẽ hỏi những dấu hiệu cho phép chẩn đoán tật khúc xạ, các yếu tố liên quan tới cận thị, đo thị lực, thăm khám mắt con bạn (kể cả đo biên độ điều tiết – accommodation amplitude, độ lớn đồng tử) và thường nhỏ thuốc giãn đồng tử mạnh (ở Hà Lan bác sỹ thường dùng cyclopentolate 1%) để tạm thời loại trừ điều tiết của mắt và sau cho phép xác định chính xác độ khúc xạ của mắt. Ngoài ra điều cũng cần thiết là xác định độ dài của trục mắt con bạn bằng thiết bị IOL-master hay các thiết bị tương tự nhằm xác định chiều dài trục mắt ban đầu để đánh giá mức độ cận cũng như giúp cho việc theo dõi tiến triển cận thị trong quá trình điều trị.
Con bạn bị cận, việc điều trị và theo dõi được tiến hành như thế nào?
Điều trị hiện tại cho trẻ cận thị hướng tới việc ngăn ngừa sự tiến triển nhanh của cận thị ở trẻ. Một vài điều trị hiện nay dựa trên kết quả nghiên cứu khoa học bao gồm: kính mềm áp tròng đa tiêu, kính đa tiêu, tạo hình giác mạc (orthokeratology) bằng đeo kính thẩm khí vào đêm, và sử dụng atropine. Nhìn chung phương pháp tạo hình giác mạc và đeo kính mềm áp tròng đa tiêu tỏ ra có nhiều hứa hẹn trong việc ngăn ngừa tiến triển cận thị (phụ lục 4)
Vì sao cần theo dõi cận thị tiến triển và làm thế nào để theo dõi?
Một khi con bạn bị cận, độ cận sẽ tăng dần mỗi năm, trong giới hạn 1 đi ốp, thường từ 0,3 – 0.5 đi ốp. Sự biến đổi này thường chậm lại hoặc dừng ở giữa hoặc cuối lứa tuổi dậy thì và thường sớm hơn ở trẻ nữ.
Hậu quả của của cận thị không chỉ dừng lại ở mức tác động về mặt y tế do khiếm thị, các biến chứng mắt gây hậu quả lâu dài, vĩnh viễn cho thị lực, mà còn có những tác động lớn về mặt xã hội và tài chính (xem phụ lục 5).
Vì thế, đối với bậc cha mẹ có con bị cận thị, việc thăm khám thường xuyên ở bác sỹ có kiến thức chuyên khoa thăm khám, chẩn đoán, điều trị và theo dõi cận thị là một điều cần thiết. Thường để theo dõi tiến triển của tật cận thị ở trẻ, bác sỹ không chỉ dựa vào độ khúc xạ mà cần thiết phải đo chiều dài của trục mắt (bằng IOL-master hay các thiết bị chẩn đoán tương tự).
Con bạn bị cận thị, bạn cần làm gì?
Cho con chơi ngoài trờivì nghiên cứu chỉ ra rằng hoạt động ngoài trời và ít các hoạt động đòi hỏi nhìn gần làm giảm tỷ lệ cận ở trẻ (phụ lục 6).
Cho con đi khám bác sỹ mắt hàng năm nhằm đánh giá tiến triển của cận thị (đo độ khúc xạ, chiều dài mắt, thường bằng IOL-master).
– Nếu trẻ điều trị bằng kính áp tròng tuân thủ tuyệt đối các nguyên tắc vệ sinh như tay luôn sạch khi đeo-tháo kính, không dùng kính ở nguồn không rõ ràng, không đeo kính khi bơi, và giữ đúng hạn sử dụng kính.
Không điều trị cận bằng những phương pháp thiếu cơ sở khoa học như luyện mắt.
Phụ lục
Phụ lục 1: Cận thị có thường gặp không?
Theo một nghiên cứu quần thể ngang ở lứa tuổi trước học đường (6-72 tháng) ở Mỹ, 1,2% trẻ da trắng, 3,7% trẻ gốc Nam Mỹ, 3,98% trẻ gốc Á và 6,6% trẻ gốc phi mắc cận thị. Tỷ lệ trẻ học đường bị cận được ghi nhận ở trẻ gốc Đông Á trong một nghiên cứu quần thể ngang ở Úc là 42,7% và 59,1% lần lượt ở trẻ 12 tuổi và 17 tuổi. Trong khi đó tỷ lệ tương ứng ở trẻ gốc Âu là 8,3% và 17,7%. Ở Trung Quốc, tỷ lệ trẻ học đường bị cận ở lứa tuổi 5-15 ở vùng nông thôn là 16,2%, trong khi đó tỷ lệ này được ghi nhận là 38,1% ở Quảng Châu, và 36,7% ở Hồng Kông. Tỷ lệ trẻ 7–9 tuổi được ghi nhận có cận thị ở Singapore là 36,7%. Một nghiên cứu ở Đài Loan thậm chí công bố 84% trẻ 16 tuổi nước này mắc cận thị.
Theo nghiên cứu cohort quần thể Úc ở lứa tuổi 12 và 17 là 2,2% và 4.1% và tăng tương ứng 1,4 – 14,4% và 13,0–29,6% trong khoảng thời gian cohort 4,5 ± 0,3 năm. Tỷ lệ này trên trẻ gốc Đông Á lần lượt là 6,9% và 7,3%, cao hơn hẳn so với trẻ gốc Âu (tương ứng 1,3% và 2,9%).
Phụ lục 2: Vài cách phân loại cận thị
1. Chia theo bệnh học:
Dạng trục: do tăng chiều dài trục trước sau của mắt. Đây là dạng hay gặp nhất.
Dạng cong: do tăng độ cong của giác mạc, thủy tinh thể hay cả hai.
Dạng cận do vị trí của thủy tinh thể bị đẩy ra phía trước.
Dạng cận chỉ số gây bởi thay đổi chỉ số khúc xạ do đục nhân thủy tinh thể.
Dạng do tăng độ điều tiết (co thắt điều tiết).
Chia theo độ cận:
Nhẹ: -0,25 tới -3,0 đi ốp.
Vừa: -3,0 tới -6,0 đi ốp.
Nặng: từ -6,0 đi ốp.
Chia theo thời điểm chẩn đoán:
Cận bẩm sinh (từ lúc đẻ tới hết 1 tuổi).
Dạng ở tuổi trẻ: < 20 tuổi.
Dạng sớm ở người trưởng thành: 20 – 40 tuổi.
Dạng muộn ở người trưởng thành: sau 40 tuổi.
Phụ lục 3: Các nguyên nhân gây cận thị
Cơ chế bệnh sinh của cận thị chưa được hiểu biết đầy đủ, tuy nhiên những nghiên cứu gần đây cho thấy tật cận thị là kết quả của sự kết hợp nhiều yếu tố di truyền (yếu tố gia đình, giới tính, sắc tộc) và môi trường (giáo dục, nghề nghiệp, v.v…).
Yếu tố gia đình
Trẻ mắt cận thị thường sinh ra trong gia đình có bố mẹ cận thị. Một nghiên cứu cho thây tỷ lệ cận thị ở trẻ 13,7 ± 0,5 tuổi có bố mẹ không mắc cận thị là 6.3%, trong khi tỷ lệ này ở trẻ có bố hoặc mẹ hoặc cả hai bố mẹ mắc cận thị lần lượt là 18,2% và 32,9%. Trẻ có cả bố lẫn mẹ mắc cận thị thường có độ khúc xạ âm cao nhất và chiều dài trục mắt dài nhất. Một nghiên cứu mới khác ở Quảng Đông cho thấy ở trẻ 15 tuổi nguy cơ cận tăng lên 2 lần nếu một trong bố mẹ cận và 3 lần nếu cả hai bố mẹ bị cận. Một nghiên cứu khác ở Úc cho thấy tiền sử cận ở bố mẹ không liên quan tới tăng chiều dài trục mắt nhưng liên quan mạnh mẽ tới sự tăng trưởng mạnh của mắt và chuyển cận (myopic shift).
Mối liên quan giữa yếu tố gia đình và mắc cận nặng chưa được xác định rõ rang.
Điều kiện kinh tế-xã hội
Nghiên cứu dân cư ở Singapore và Hàn Quốc cho thấy cận xảy ra ở gia đình có giáo dục cao, điều kiện nhà cửa tốt hơn và có thu nhập hàng tháng cao hơn và những nghề nghiệp liên quan nhiều tới nhìn gần.
Hoạt động nhìn gần
Những hoạt động như đọc, viết, làm việc với máy tính và chơi video games được gợi ý liên quan tới cận thị. Một nghiên cứu cohort ở học sinh ở Úc dùng IOLMaster cho thấy tăng chiều dài trục mắt liên quan tới thời điểm bắt đầu cận và tiến triển cận.
Chơi ngoài có thể làm giảm tỷ lệ mắc cận, tuy nhiên cơ chế về việc này vẫn còn chưa rõ. Thuyết ‘ánh sáng-dopamine’ cho rằng ánh sáng bên ngoài thúc đẩy tiết dopamine, do đó làm giảm tăng trục mắt.
Phụ lục 4: Các phương pháp điều trị cận thị
Kính mềm áp tròng đa tiêu cự
Gồm nhiều tròng với công suất kính khác nhau và giảm dần từ trung tâm ra tới vùng ngoại biên của kính, giúp cho người đeo có thể nhìn ở nhiều cự ly khác nhau, được cho có tác dụng trong việc hạn chế tăng cận ở trẻ em. Hiện kính này còn mắc và khá mới ở Việt Nam. Đặc biệt với trẻ em dưới 10 tuổi không nên cho bé đeo áp tròng vì nguyên nhân an toàn cho bé. Tại Việt Nam hầu hết được các bác sĩ chỉ định dùng kính cận.
Nghiên cứu ở Úc, Mỹ và Trung Quốc cho thấy trẻ em (64 trẻ là đối tượng nghiên cứu) 7-14 tuổi với độ cận từ -0,75 đi ốp tới -3,5 đi ốp và có độ loạn không quá 0.5 đi ốp, đeo kính áp tròng mềm đa tiêu trong sáu tháng có độ tiến triển cận giảm 54% so với trẻ em đeo cận đeo kính. Một nghiên cứu khác của Mỹ cho thấy trẻ 8-11 tuổi có độ cận -1,0 tới -6,0 đeo kính mềm áp tròng đa tiêu trong thời gian 2 năm giảm 50% mức độ tăng cận so với trẻ em đeo kính áp tròng thông thường.
Nghiên cứu ở New Zealand cho thấy 70% trẻ em 11 – 14 tuổi (40 trẻ đối tượng nghiên cứu) đeo kính mềm áp tròng một bên được chọn ngẫu nhiên trong 10 tháng, với mắt kia đeo kính mềm thông thường sau đó đổi kính và sang mắt kia trong 10 tháng có độ tăng cận ít nhất 30% ít hơn ở mắt đeo kính mềm đa tròng so với mắt kia trong thời gian nghiên cứu.
Điều thú vị là trong một nghiên cứu ở một quần thể trẻ lứa tuổi nhà trẻ tới lớp 3 ở Chicago, Allison và cộng sự đã chứng minh rằng 30% trẻ có biểu hiện rối loạn về thị lực và nguyên do được giả thuyết là do trẻ thường bị những stress cộng hưởng tới sự phát triển của hệ thống thị lực từ các thiết bị điện tử như máy vi tính, và các thiết bị điện tử khác như máy tính bảng. Các nhà nghiên cứu cho rằng các hoạt động như vẽ, chơi xếp chữ/hình và các hình thức lao động khác sẽ giúp trẻ sớm phát triển tốt hơn kỹ năng kết hợp tay-mắt và nên được khuyến khích. Các nhà nghiên cứu cũng khuyến cáo các nghiên cứu khác trong tương lai nhằm tìm hiểu rõ thêm những thay đổi thị lực nhanh chóng ở trẻ, và khuyến cáo các bậc cha mẹ nên cho trẻ đi khám thường niên từ tuổi nhà trẻ để sớm theo dõi sự phát triển thị lực của trẻ.
Kính đa tiêu cự
Có tác dụng giảm tăng cận kém hơn so với kính mềm áp tròng đa tiêu.
Nghiên cứu ở Úc và Trung Quốc ở 128 trẻ lứa tuổi 8 – 13 bị cận với độ tiến triển ít nhất – 0,5 đi ốp trước khi tham gia nghiên cứu đánh giá độ tiến triển cận ở trẻ đeo kính hai tròng và kính 2 tròng có prism so với nhóm trẻ đeo kính đơn tròng trong 3 năm. Kết quả cho thấy nhóm trẻ đeo kính 2 tròng và 2 tròng có prism có độ tiến triển cận (-1.01 đi ốp tới -1.25 đi ốp) ít hơn hẳn so với nhóm trẻ đeo kính đơn tròng (-2.06 đi ốp).
Do giá thành mỗi cặp mắt tương đối cao do vậy hầu hết các bệnh nhân về mắt tại Việt Nam chỉ đeo kính đơn tiêu cự. Để hạn chế tặng độ cận bạn cần chọn gọng kính phù hợp với khuân mặt bé, và một tròng kính tiêu chuẩn, và nên chọn những tròng kính đạt tiêu chuẩn như chemi của hàn quốc, kodak của Mỹ một số loại tròng khác ….
Một điều rất quan trọng là các bậc phụ huynh nên thường xuyên đưa các bé đi kiểm tra định kỳ 6 tháng/lần đối với bé đã bị cận thị hoặc 12 tháng/lần đối với các cháu mắt mình thường.
Tạo hình giác mạc
Với kính áp tròng thẩm khí đeo ban đêm bạn có thể làm thay đổi độ cong giác mạc và do đó độ khúc xạ của giác mạc tạm thời, và do đó không cần đeo kính/kính áp tròng trong ngày. Nghiên cứu cho thấy trẻ bị cận đeo kính áp tròng thẩm khí vào đêm trong vài năm sẽ có độ cận giảm đáng kể so với trẻ chỉ đeo kính đơn thuần hoặc kính áp tròng đơn thuần.
Nghiên cứu ở Nhật chỉ ra phương pháp tạo hình giác mạc ức chế độ tăng chiều dài trục mắt ở trẻ cận (42 trẻ, tuổi trung bình 12 tuổi, mức độ cận trung bình -2,75 đi ốp, chiều dài trục mắt trung bình 24,7 mm) so với nhóm chứng (50 trẻ có độ cận và chiều dài trục mắt tương tự) trong thời gian nghiên cứu 2 năm. Kết quả này được củng cố bởi những kết quả nghiên cứu tương tự ở Hồng kông (78 trẻ cận 6-10 tuổi tham gia nghiên cứu trong 2 năm) cho thấy trẻ điều trị bằng phương pháp tạo hình giác mạc có độ tiến triển cận chậm hơn hẳn (43%) so với trẻ đeo kính và trẻ càng trẻ thì mức độ giảm càng lớn. Nghiên cứu mới nhất từ Đài Loan cũng cho thấy trẻ cận (7-17 tuổi, độ cận trung bình -1,5 đi ốp tới -7,5 đi ốp và ≤ -2,75 độ loạn thị) có mức độ tăng cận hàng năm – 0,28 đi ốp trong thời gian 3 năm nghiên cứu. Mức độ tăng này giảm đáng kể so với nhóm chứng đeo kính và sử dụng thuốc nhỏ mắt atropine 0,125% hàng đêm (độ tăng cận hang năm ở nhóm này là -0,34 đi ốp).
Thuốc nhỏ mắt Atropine
Thuốc nhỏ mắt atropine có tác dụng giãn đồng tử và tạm thời loại bỏ tác dụng của điều tiết, làm cho mắt thư giãn, làm giảm tỷ lệ tiến triển cận tới 81% trong năm đầu tiên. Tuy nhiên sau năm đầu, atropine dường như không giúp giảm tiến triển cận. Một nghiên cứu ở Trung Quốc cho thấy atropine nồng độ 0,01% giảm tiến triển cận một lâu dài hơn nồng độ 0,1% và 0,5% và có tỷ lệ tái tiến triển cận sau 1 năm thấp hơn.
Do tác dụng phụ như nhậy cảm với ánh sáng và nhìn mờ ở cự ly gần, cũng như việc trẻ cần phải đeo kính đa tròng trong quá trình điều trị là những bất tiện của việc điều trị với atropine. Thêm vào đó tác dụng lâu dài không rõ rang của thuốc là lý do các bác sỹ e dè chọn atropine là phương pháp điều trị.
Phụ lục 5: Các vấn đề nhãn khoa ảnh hưởng tới thị lực thường gặp khi mắc cận thị độ cao
Cận thị, nhất là cận thị cao nếu không được chữa sẽ gây khiếm thị và ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống, gây mất năng suất lao động (202 tỷ đô la Mỹ theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới WHO). Cũng theo WHO năm 2007 ước tính có khoảng 158 triệu trường hợp khiếm thị do tật khúc xạ không được điều chỉnh, trong đó vùng Đông Nam Á đứng thứ 2 với 54.5 triệu người.
Người bị cận thị nặng (độ cận > -6 đi ốp hay chiều dài trục mắt > 26 mm) dễ bị mắc các chứng như:
dạn đáy mắt (lacquer cracks) do nứt biểu mô sắc tố võng mạc-màng Bruch-phức hợp mao mạch võng mạc,
bong võng mạc (retinal detachment),
tân mạch võng mạc (myopic choroidal neovascularization),
thoái hóa teo hắc- võng mạc (choroiretinal atrophy),
điểm Fuchs tại hoàng điểm (Fuchs spots) – những tổn thương đốm do chảy máu hoàng điểm đã được hấp thụ,
Staphyloma do co giãn củng mạc và màng bồ đào,
tách lớp võng mạc hoàng điểm (foveal retinoschisis),
và bệnh thiên đầu thống (glaucoma) https://giaidapbenhmatthongthuong.wordpress.com/category/benh-thien-dau-thong/
Phụ lục 6: Những yếu tố làm giảm khả năng mắc cận ở trẻ
Nghiên cứu ở Úc tìm hiểu tác động của việc chơi ngoài trời và thực hiện các hoạt động đòi hỏi nhìn gần ở nhóm trẻ 6 tuổi (1765 trẻ) và 12 tuổi (2367 trẻ) cho thấy ở nhóm trẻ 6 tuổi không thấy mối liên quan rõ ràng giữa các yếu tố trên với tiển triển cận thị. Ở nhóm trẻ 12 tuổi, độ viễn (trung bình + 0,56 đi ốp) cao hơn hẳn ở nhóm trẻ có nhiều thời gian chơi ngoài trời và ít mức độ đòi hỏi hoạt động nhìn gần) so với nhóm chứng (trẻ chơi ngoài ít, nhiều hoạt động đòi hỏi nhìn gần, độ viễn trung bình + 0,25 đi ốp). Sự khác biệt về mức độ viễn và độ cận là đáng kể về mặt thống kê kể cả sau khi đã điều chỉnh cho mức độ hoạt động đòi hỏi nhìn gần, tiền sử cận ở bố mẹ và sắc tộc. Nói một cách khác, chơi ngoài trời nhiều giảm tỷ lệ cận ở nhóm tuổi này. Một nghiên khác ở Úc cho thấy thời gian tiếp xúc với ánh sáng mặt trời tỷ lệ nghịch với tỷ lệ cận ở nhóm người 19 – 22 tuổi được nghiên cứu.
Một nghiên cứu khác chỉ ra tỷ lệ cận ở trẻ em gốc Hoa 6 và 7 tuổi thấp hơn hẳn ở Sydney (3.3%) so với ở Singapore (29.1%) và điều này được giải thích bởi sự khác biệt đáng kể giữa thời gian chơi ngoài trời (13,75 giờ/tuần so với 3,05 giờ/tuần) giữa trẻ em cùng nhóm sắc tộc ở hai thành phố.
Một nghiên cứu khác của Đài Loan cho thấy tỷ lệ cận mới ở học sinh 7-11 tuổi tham gia chương trình đặc biệt “chơi ngoài lớp” (gồm 333 trẻ) ít hơn hẳn so với nhóm chứng (238 trẻ thuộc một trường khác có tỷ lệ cận tương tự ở thời điểm bắt đầu nghiên cứu không tham gia chương trình hoạt động ngoài trời)- 8,4% so với 17,6%. Tỷ lệ tiến triển cận cũng khác biệt giữa hai nhóm (-0,25 đi ốp/năm so với -0,38 đi ốp/năm).
Nghiên cứu phân tích tổng hợp (metaanalysis) của Anh bao gồm 10.400 trẻ và nhóm tuổi dậy thì từ 8 nghiên cứu được thiết kế tốt cho thấy cứ mỗi giờ/tuần trẻ chơi ngoài trời sẽ dẫn tới giảm khoảng 2% nguy cơ mắc cận. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng trẻ cận chơi ngoài trời trung bình 3,7 giờ/tuần ít hơn so với nhóm trẻ viễn thị hoặc trẻ không mắc tận khúc xạ. Nhóm nghiên cứu cũng chỉ ra sự cần thiết tìm hiểu tác động chính xác của các hoạt động ngoài trời tới giảm tỷ lệ mắc cận như giảm hoạt động nhìn gần, tăng hoạt động nhìn xa hoặc tác dụng của tia cực tím.
Tham Khảo:
Epidemiology of myopia. Foster PJ, Jiang Y. Eye (Lond). 2014;28(2):202-8.
Efficacy Comparison of 16 Interventions for Myopia Control in Children: A Network Meta-analysis. Huang J et al. 2016 Jan 12. pii: S0161-6420(15)01356-1. doi: 10.1016/j.ophtha.2015.11.010. [Epub ahead of print]
Sưu tâp trên website: https://giaidapbenhmatthongthuong.wordpress.com