KHÁI NIỆM CƠ BẢN VỀ BỆNH THIÊN ĐẦU THỐNG (CÒN GỌI LÀ CƯỜM NƯỚC HAY GLÔCÔM)
Bệnh glôcôm là gì?
Bình thường sự lưu thông THỦY DỊCH được sản sinh ra từ THỂ MI và được LƯU DẪN qua HỆ THỐNG BÈ ở GÓC TIỀN PHÒNG (GÓC TẠO BỞI GIÁC MẠC VÀ MỐNG MẮT) và sau đó được hòa vào hệ tuần hoàn chung. Thủy dịch có nhiều chức năng nhưng một trong những chức năng quan trọng là duy trì nhãn áp (áp lực trong mắt).
Hình 1. SỰ LƯU DẪN CỦA THỦY DỊCH TRONG MẮT
BẤT CÂN BẰNG TRONG ĐÓ SẢN SINH VƯỢT TRỘI LƯU DẪN THỦY DỊCH, do bất cứ một nguyên nhân nào, sẽ dẫn tới Ứ ĐỌNG THỦY DỊCH trong mắt, gây TĂNG NHÃN ÁP (bình thường: 11 – 21 mm thủy ngân) và tạo áp lực vào THẦN KINH THỊ. Dây thần kinh thị là cấu trúc có thể coi như sợi cáp truyền tải tín hiệu ánh sáng từ mắt tới vỏ não. Áp lực vào dây thần kinh thị lực kéo dài sẽ dẫn tới THOÁI HÓA CẤU TRÚC (TẾ BÀO GANGLION) của DÂY THẦN KINH THỊ dẫn tới HẠN CHẾ THỊ TRƯỜNG (giảm mức độ cảm nhận ánh sáng ở một vùng nào đó của thị trường), và có thể GIẢM THỊ LỰC (giảm khả năng nhìn ở một khoảng cách nhất định). Bệnh nếu không được điều trị kịp thời và hiệu quả sẽ dẫn tới MÙ LÒA.
Nguy cơ mắc glôcôm
Glôcôm có thể TIÊN PHÁT (tức là glôcôm phát sinh không có nguyên nhân nào khác) hoặc THỨ PHÁT (ví dụ sau phẫu thuật, do viêm màng bồ đào, v.v…). Glôcôm cũng có thể được chia thành các thể CẤP TÍNH, BÁN CẤP TÍNH HOẶC MÃN TÍNH và cũng CÓ THỂ BẨM SINH Ở TRẺ EM.
Hai thể glôcôm hay gặp nhất, chia theo cấu trúc của tiền phòng là GLÔCÔM GÓC MỞ VÀ THỂ GLÔCÔM GÓC ĐÓNG TIÊN PHÁT.
Thể glôcôm góc mở tiên phát (1 – 3 % dân số mắc glôcôm thể này)
Trong thể này, LƯU LƯỢNG DẪN LƯU THỦY DỊCH QUA HỆ THỐNG BÈ GIẢM, dẫn đến ứ đọng thủy dịch và tăng nhãn áp. Khi nhãn áp trên 21 mm thủy ngân, tỉ lệ glôcôm sẽ tăng. Tuy nhiên KHÔNG PHẢI AI CÓ NHÃN ÁP TRÊN 21 MM THỦY NGÂN CŨNG MẮC GLÔCÔM. Các nghiên cứu cho thấy khoảng 10% số người có nhãn áp từ 24 mm thủy ngân trở lên sẽ mắc glôcôm trong vòng 5 năm.
NGUY CƠ MẮC GLÔCÔM GÓC MỞ TIÊN PHÁT bao gồm những người TRÊN 40 TUỔI (người có tuổi trên 60 có nguy cơ mắc glôcôm cao hơn 7 lần so người trẻ hơn 40) , những người có BỐ MẸ HOẶC ANH CHỊ EM MẮC GLÔCÔM, những người CẬN TỪ – 4 DI ỐP TRỞ LÊN, những người có độ MỎNG GIÁC MẠC (bình thường 537 – 554 µm), những người GỐC PHI DA ĐEN. Một số yếu tố khác cũng được nghiên cứu bao gồm bệnh tăng huyết áp, bệnh tim mạch, bệnh co mạch ngoại biên, và bệnh tiểu đường, tuy nhiên mức độ liên quan chưa hoàn toàn thuyết phục.
Một bộ phận của những người mắc GLÔCÔM GÓC MỞ CÓ NHÃN ÁP HOÀN TOÀN BÌNH THƯỜNG. Những người này thường có những yếu tố nguy cơ kèm theo như HẠ HUYẾT ÁP BUỔI ĐÊM, BIỂU HIỆN THIẾU MÁU CƠ TIM (cơn đau thắt ngực), biểu hiện NHỨC ĐẦU HOẶC NỬA ĐẦU THƯỜNG XUYÊN, hoặc biểu hiện của HỘI CHỨNG RAYNAUD (co thắt mạch máu đầu ngón tay khi trời lạnh).
NGUY CƠ MẮC GLÔCÔM CÒN LIÊN QUAN tới một số yếu tố khác như yogha với tư thế chồng cây chuối (nhãn áp có thể tăng tới 2 lần: http://www.aaojournal.org/article/PIIS0161642006005379/abstract), hoặc chơi nhạc cụ thổi (http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/?term=%22brass+instrument%22+and+glaucoma)
Ở Việt Nam,rất nhiều bệnh nhân glôcôm góc mở (theo thống kê của Viện mắt TƯ, khoảng 1/3 số bệnh nhân mắc glôcôm góc mở được điều trị tại viện) có tiền sử sử dụng thuốc nhỏ mắt có chứa corticoid (C. Dexacol, Polydexa, Polymax, Neodex.. .)
THƯỜNG TỔN THƯƠNG THỊ TRƯỜNG DO GLÔCÔM GÓC MỞ TIÊN PHÁT DIỄN BIẾN TỪ TỪ, TỪ VÙNG NGOẠI BIÊN VÀO ĐẾN TRUNG TÂM của thị trường, do đó trong giai đoạn đầu của bệnh người bệnh thường không tự phát hiện biểu hiện bất thường về thị trường (nghiên cứu dân cư cho thấy 39% đến 50% người có glôcôm thể này không biết họ bị mắc bệnh). Khi người bệnh phát hiện được mình có vấn đề về thị trường hoặc/và thị lực thì dây thần kinh thị đã bị ảnh hưởng tương đối.
NHỮNG TỔN THƯƠNG VỀ THỊ LỰC VÀ THỊ TRƯỜNG DO GLÔCÔM LÀ VĨNH VIỄN VÀ KHÔNG THỂ HỒI PHỤC, VÌ THẾ BỆNH CẦN ĐƯỢC PHÁT HIỆN SỚM Ở NHỮNG NGƯỜI CÓ NGUY CƠ MẮC BỆNH.
Xem video minh họa glôcôm:
Thể glôcôm góc đóng tiên phát ( chiếm khoảng 0,4 tới 1,4 % dân số Đông Nam Á)
Thể này thường cấp tính và gây nên do NGHẼN LƯU DẪN THỦY DỊCH ở danh giới phân cách tiền phòng và hậu phòng (quanh đồng tử) hoặc ở tại vùng trước hệ thống bè do bất thường ở cấu trúc mống mắt (ví dụ trong hội chứng mống mắt phẳng – Plateau Iris Syndrome). NGUY CƠ MẮC BỆNH TĂNG Ở NỮ (2-4 lần cao hơn nam giới); NGƯỜI TRUNG QUỐC (6 lần cao hơn những người da trắng), những người THỔ DÂN INUIT Ở BẮC CỰC (khoảng 2,1 – 5% dân số mắc glôcôm góc đóng); những người có BỐ MẸ HOẶC ANH CHỊ EM BỊ BỆNH NÀY; những người VIỄN THỊ và một số bệnh về thủy tinh thể khác, ví dụ mắt có biểu hiện của cườm/đục thủy tinh thể (tăng kích thước trước sau của thủy tinh thể gây hẹp góc tiền phòng).
Làm gì khi bạn có yếu tố nguy cơ mắc glôcôm?
Hãy đến bác sỹ mắt để được thăm khám và nhận được những lời khuyên thích hợp.
Làm thế nào để nhận biết bạn có biểu hiện glôcôm hay không?
Như đã để cập ở trên, GLÔCÔM THỂ MỞ TIÊN PHÁT THƯỜNG KHÔNG CÓ TRIỆU CHỨNG Ở GIAI ĐOẠN ĐẦU. Những người trên 40 tuổi vì thế nên kiểm tra nhãn áp của mình một lần ở những cơ sở đáng tin cậy, nhất là những người có yếu tố nguy cơ đã được đề cập ở trên. Ở Hà Lan, hầu hết hiệu kính tự trang bị các thiết bị cho phép họ kiểm tra nhãn áp, một số có khả năng cũng như tầm soát tổn thương thị trường tổn thương cấu trúc cấu trúc lớp thần kinh sợi võng mạc quanh gai thị bằng các kỹ thuật đặc biệt. Những người có nhãn áp từ 21 mm Hg trở lên với 2 lần đo, và những người có biểu hiện bất thường về thị trường, hoặc tổn thương cấu trúc lớp thần kinh sợi võng mạc quanh gai thị sẽ được chuyển tới khám tại bác sỹ mắt. Những người có bố mẹ hoặc anh chị em bị glôcôm nên được khám định kỳ 1 -2 năm/lần do bác sỹ mắt nhằm phát hiện bệnh kịp thời ở giai đoạn sớm.
Thể glôcôm góc đóng cấp tính thường gây đau nhức đột ngột vùng hốc mắt, có thể lan lên nửa đầu cùng bên; đỏ và chảy nước mắt; nhìn mờ và nhìn thấy vòng ánh sáng xung quanh bóng đèn (halos); sợ ánh sáng, và buồn nôn. HÃY ĐẾN CÁC CƠ SỞ KHÁM MẮT NGAY LẬP TỨC VÌ CÓ THỂ BẠN BỊ GLÔCÔM GÓC ĐÓNG CẤP TÍNH và cần điều trị càng nhanh càng tốt.
Nếu trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có các biểu hiện chảy nước mắt + khóc khi tiếp cận với ánh sáng, hoặc tránh ánh sáng + nhắm nghiền mắt, bạn nên cho nhỏ đi khám mắt vì con bạn có thể mắc glôcôm!
Bác sỹ mắt làm gì để chẩn đoán glôcôm?
Tại cơ sở khám mắt, bạn sẽ được hỏi những những yếu tố nguy cơ, các triệu chứng có thể gợi ý glôcôm. Bạn sẽ được thăm khám thị lực, thị trường, đo nhãn áp áp tròng (Goldmann applanation tonometer). Bác sỹ tham khám toàn thể mắt của bạn, đặc biệt là thăm khám độ mở và cấu trúc của góc tiền phòng của bạn (gonioscopy), khám đáy mắt của bạn để đánh giá cấu trúc gai thị của dây thần kinh thị.
Thường trong cơn glôcôm góc đóng cấp tính, thăm khám thực thể nhãn khoa đủ để có thể chẩn đoán. Trong trường hợp glôcôm góc mở, bác sỹ mắt của bạn thường chỉ định một số thăm khám cận lâm sàng khác nữa như thăm khám thị trường (PHƯƠNG PHÁP CHẨN ĐOÁN THỊ TRƯỜNG HIỆN NAY THƯỜNG CHỈ CHO PHÉP TẦM SOÁT ĐƯỢC NHỮNG TỔN THƯƠNG THỊ TRƯỜNG KHI KHOẢNG 25-35% TẾ BÀO GANGLION ĐÃ MẤT), và/hoặc thăm khám lớp tế bào thần kinh võng mạc quanh gai thị bằng các phương pháp chẩn đoán hình ảnh khác nhau nhằm có được những đánh giá về cấu trúc và chức năng của dây thần kinh võng mạc. Ở những nước có điều kiện như Hà Lan, trong những trường hợp khó xác định chính xác glôcôm, bác sỹ mắt có thể chỉ định chụp cộng hưởng từ trường (Magnatic Resonance Imaging) của não nhằm loại bỏ những nguyên nhân ở não có thể ảnh hưởng tới cấu trúc và chức năng của dây thần kinh thị.
Bác sỹ mắt của bạn làm gì khi bạn bị glôcôm?
Đối với glôcôm góc mở, sự lựa chọn điều trị tương đối phong phú và có thể bao gồm:
- Tăng lưu dẫn thủy dịch bằng laser có chọn lọc (điều trị ban đầu hoặc khi điều trị dùng thuốc nhỏ không đạt được tác dụng mong muốn).
- Dùng một hoặc kết hợp vài thuốc nhỏ, đôi khi cả thuốc uống (nhằm giảm tiết hoặc tăng cường lưu dẫn thủy dịch).
- Mổ glôcôm. Một trong những phương pháp mổ phổ biến nhất là cắt bè củng mạc trong đó đường dẫn lưu được tạo ra giữa tiền phòng và khoang dưới kết mạc
- Mổ cườm/đục thủy tinh thể đơn thuần (thủy tinh thể nhân tạo dẹt hơn nhiều so với thủy tinh thể của bạn, do đó góc tiền phòng sẽ thường được mở ra sau mổ cườm, dẫn đến hạ nhãn áp), hoặc kết hợp với một trong các phương pháp mổ glôcôm.
- Sau mổ cườm hoặc mổ glôcôm, nếu nhãn áp vẫn chưa hạ như mong muốn, bạn sẽ phải dùng thuốc nhỏ, đôi khi kết hợp với thuốc uống suốt đời.
Đối với thể góc đóng cấp tính:
- Bác sỹ sẽ điều trị bằng LASER MỞ MỐNG MẮT CHU BIÊN (tạo một đến hai lỗ hở ở rìa của mống mắt nhằm mở đường lưu dẫn thủy dịch qua mống mắt, do đó mở góc tiền phòng), nếu giác mạc đủ trong, cho phép thực hiện thủ thuật.
- Nếu không thể laser ngay, bác sỹ của bạn có thể kết hợp thuốc nhỏ và uống hoặc thuốc truyền tĩnh mạch nhằm giảm nhãn áp nhanh chóng, tạo điều kiện cho giác mạc trong hơn và sau đó tiến hành laser.
- Trường hợp tác dụng mong muốn không đạt được bác sỹ của bạn có thể quyết định mổ thay thủy tinh thể của bạn nhằm mở góc tiền phòng giảm nhãn áp.
- Sau khi những biện pháp trên đã thực hiện, nếu nhãn áp vẫn chưa giảm như mong muốn, bạn có thể sẽ phải dùng thuốc nhỏ đơn thuần hoặc kết hợp với thuốc uống nhằm giảm nhãn áp.
- Nếu tất cả các phương pháp trên vẫn không đạt kết quả, bác sỹ của bạn sẽ tiến hành mổ glôcôm để giảm nhãn áp.
Kể cả khi kết quả điều trị đã như mong muốn, bạn cần được theo dõi định kỳ (1-2 lần/ năm) để duy trì tác dụng điều trị. Bạn cần tuyệt đối tuân thủ chế độ điều trị cũng như theo dõi của bác sỹ.
Tóm lại, glôcôm là một bệnh gây hậu quả nghiêm trọng tới thị trường và thị lực, và có thể dẫn tới mù lòa. Thể glôcôm góc mở tiên phát thường tiến triển thầm lặng, khó nhận biết giai đoạn đầu nên những người trên 40 tuổi, nhất là những người có nguy cơ mắc bệnh cần được kiểm tra nhãn áp và nếu cần theo dõi ở các cơ sở của bác sỹ mắt. TUYỆT ĐỐI KHÔNG TỰ Ý SỬ DỤNG CÁC THUỐC NHỎ MẮT CÓ CHỨA CORTICOID (C. Dexacol, Polydexa, Polymax, Neodex…) không do bác sỹ chỉ định. Thể cấp tính có những dấu hiệu đặc thù, và cần được phát hiện, chữa trị ở cơ sở bác sỹ mắt ngay lập tức. Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ với tam chứng chảy nước mắt, nhạy cảm ánh sáng và nhắm chặt mắt, cho trẻ đi thăm khám bác sỹ mắt ngay lập tức để loại trừ khả năng bị mắc glôcôm!
Điều trị glôcôm là một quá trình điều trị lâu dài, suốt đời và đòi hỏi nỗ lực của bác sỹ cũng như sự hợp tác, tuân thủ chế độ điều trị và theo dõi của bệnh nhân. Điều trị glôcôm thường lâu dài và tốn kém, trong đó phương pháp ĐIỀU TRỊ LASER VÀ PHẪU THUẬT đối với bệnh nhân nghèo ở Việt Nam có lẽ sẽ là sự lựa chọn thích hợp hơn điều trị dùng thuốc.
Tài liệu tham khảo:
– Terminology and Guidelines for Glaucoma, Second Edition, European Glaucoma Society: http://www.oogheelkunde.org/professionals/evidence-based-richtlijnen/item?urlProxy=/patienten/patientenvoorlichting/richtlijnen2/glaucoom-richtlijn&objectSynopsis=#3y1kLDH7e3VwuP7x8VdMpg.
– Dutch Ophthalmic Scociety guidelines on glaucoma: http://www.oogheelkunde.org/professionals/evidence-based-richtlijnen/item?urlProxy=/patienten/patientenvoorlichting/richtlijnen2/glaucoomrichtijn-addendum-2009&objectSynopsis=#xDrNSx_DGx98pVtzCqVbFA.
– Primary Open-Angle Glaucoma PPP – 2010, American Academy of Ophthalmology: http://one.aao.org/preferred-practice-pattern/primary-openangle-glaucoma-ppp–october-2010.
– Primary Angle Closure Glaucoma PPP – 2010, American Academy of Ophthalmology: http://one.aao.org/preferred-practice-pattern/primary-angle-closure-ppp–october-2010.
– Primary Open-Angle Glaucoma Suspect PPP – 2010, American Academy of Ophthalmology: http://one.aao.org/preferred-practice-pattern/primary-openangle-glaucoma-suspect-ppp–october-20.
Bác sỹ mắt Mai Thế Anh.
Sưu tầm: https://giaidapbenhmatthongthuong.wordpress.com