Chào bác sĩ, cháu là học sinh 14 tuổi và bị chứng viễn thị nhưng cháu không muốn đeo kính có được không ạ? Cháu nghe nói đây là bệnh của người già, vậy có phải cháu bị viễn thị bẩm sinh không ạ. Bệnh này có theo tính chất di chuyền không thưa bác sĩ vì nhà cháu không có ai bị bệnh viễn thị.
ThS. Vũ Thị Tuyết Mai-Thạc sĩ y tế công cộng, bác sĩ đa khoa-Bộ Y tế
Chào cháu!
Viễn thị là một loại tật khúc xạ ít gặp ở trẻ, nhưng lại dễ gây ra các rối loạn chức năng thị giác nặng nề hơn như nhược thị, lác mắt, rối loạn chức năng thị giác hai mắt. Mắt viễn thị là mắt thiếu lực khúc xạ hội tụ, làm cho hình ảnh của mọi vật hội tụ ra phía sau võng mạc dẫn đến mắt nhìn mờ ở cả khoảng cách xa lẫn gần. Để nhìn rõ hơn, mắt luôn phải điều tiết để đưa hình ảnh của vật nằm trên võng mạc. Với những mắt viễn thị nhẹ, mắt có thể điều tiết để nhìn rõ hình ảnh của vật nhưng dễ bị mỏi mắt. Những mắt viễn thị nặng, không điều tiết được thì sẽ gây nhìn mờ cả ở khoảng cách xa và gần. Viễn thị ở trẻ nhỏ có hai loại là viễn thị trục và viễn thị khúc xạ. Viễn thị khúc xạ do lực khúc xạ của giác mạc và thể thủy tinh thấp, trong khi chiều dài của trục nhãn cầu vẫn bình thường. Loại này thường gây viễn thị nhẹ. Viễn thị trục do trục nhãn cầu quá ngắn trong khi lực khúc xạ của giác mạc và thể thủy tinh vẫn bình thường, thường gây ra viễn thị nặng. Tuy nhiên, có thể phối hợp cả hai loại trên. Viễn thị có 3 nguyên nhân chính: do bẩm sinh cầu mắt ngắn; do không giữ đúng khoảng cách nhìn, thường xuyên nhìn xa khiến thể thủy tinh luôn xẹp xuống (giãn), lâu dần mất tính đàn hồi, mất dần khả năng phồng; do người già thể thủy tinh đã bị lão hóa, mất tính đàn hồi, không phồng được.
Có khá nhiều biểu hiện chủ quan của mắt viễn thị, phổ biến nhất là làm việc lâu bằng mắt sẽ rất mỏi mắt, bắt buộc phải ngưng lại. Sau khi nghỉ ngơi một lát, hết mỏi, làm việc trở lại được và ít lâu sau mỏi mắt lại tái diễn. Viễn thị không điều trị có thể ảnh hưởng đến chất lượng sống. Ở trẻ em, không được điều trị viễn thị có thể ảnh hưởng đến kết quả học tập.
Sẽ giảm dần độ viễn thị khi trẻ lớn dần lên, chiều dài trục nhãn cầu tăng lên, hoặc mắt được tập luyện làm tăng độ khúc xạ của thể thủy tinh. Bình thường, trẻ em mới sinh ra luôn luôn bị viễn thị và độ viễn sẽ giảm dần khi trẻ ngày một lớn. Đến 2-3 tuổi, độ viễn khoảng 3 độ. Nếu ở tuổi này, mắt không hoặc ít phát triển thì sẽ bị viễn thị. Viễn thị thường gặp ở tuổi bắt đầu đi học. Người trẻ bị viễn thị, vì có lực điều tiết tốt, viễn thị không gây nên sự khó chịu nào, nhìn vẫn rất tốt. Khi tuổi lớn dần, lực điều tiết kém đi, nhìn mới thấy khó khăn.
Cháu nên đi khám bác sĩ chuyên khoa mắt xác định cụ thể xem mắt cháu bị viễn thị ở mức độ nào để có biện pháp điều trị cụ thể. Việc đeo kính là quan trọng nhất và phải đi kèm với chế độ luyện tập mắt tích cực để làm giảm độ viễn thị. Cháu nên hoạt động liên quan đến thị giác như vẽ tranh, tô màu, đọc truyện… Mục đích là làm tăng độ khúc xạ của thể thủy tinh dẫn đến giảm độ viễn thị (cận thị hóa viễn thị). Cháu cần được theo dõi ít nhất 6 tháng 1 lần để điều chỉnh kính cho phù hợp với sự tiến triển của viễn thị.Chúc cháu khỏe!