Site icon Kính mắt Việt Hàn

Tác Dụng Có Hại Của Steroids Trên Mắt

Giới thiệu chung

Steroids là một phức hợp hữu cơ có mặt trong cây cỏ (phytosterol, brasinosteroids, alkaloids có nguồn gốc steroids), động vật và nấm (ergosterols) cũng như trong rất nhiều sản phẩm hữu cơ có mặt trong đời sống chúng ta như trong thành phần cholesterol (thành phần cơ bản gây xơ vữa mạch máu) trong khẩu phần ăn, trong acid mật, trong các hóc môn giới tính (androgens, estrogens, hay progestagens), trong các corticosteroids của cơ thể (glucocorticorticoids có chức năng trong chuyển hóa và miễn dịch và mineralocorticoids giúp duy trì thể tích máu và giúp thận bài tiết các chất điện giải), và trong anabolic steroids có tác dụng tăng cơ bắp và tổng hợp xương (và là thành phần của chất doping trong thể thao).

Trong y học, có tới hàng trăm sản phẩm steroids được sử dụng vì tác dụng chống viêm. Các dạng thuốc có chứa steroids bao gồm thuốc chống viêm chứa steroid được sử dụng trong da liễu; dùng xịt mũi chống viêm mũi dị ứng hoặc chống cơn hen cấp; dùng đường uống như prednisolon hoặc tiêm tĩnh mạch như methylprednisolone được trong điều trị rất nhiều triệu chứng viêm, các bệnh lý tự miễn và toàn thân, bệnh xơ nang phổi (cystic fibrosis), chống thải ghép sau ghép tạng; và các thuốc chống viêm chứa steroids trong nhãn khoa dưới nhiều dạng sử dụng khác nhau (nhỏ, tiêm dưới kết mạc, tiêm quanh nhãn cầu hoặc dạng tiêm nội nhãn).

 

Vậy những sản phẩm này có tác dụng bất lợi gì tới mắt chúng ta?

Trong khi những thuốc chứa steroids có tác dụng điều trị cho nhiều chứng bệnh đa dạng khác nhau, các thuốc này có nhiều tác dụng phụ gây hại tới mắt. Một số tác dụng có hại quan trọng bao gồm:

1. Gây đục thủy tinh thể, thường là đục bao sau của thủy tinh thể (Hình 1, nguồn internet) với tỷ lệ lên tới 51% theo các nghiên cứu khác nhau và tủy thuộc vào liều lượng, khoảng thời gian sử dụng thuốc, liều lượng và tuổi của người sử dụng.

2. Gây viêm hắc võng mạc trung tâm thanh dịch/dịch thấm (central serous chorioretinopathy), một bệnh tái phát, không rõ nguyên nhân, gây các triệu chứng nhìn mờ (= ám điểm) trung tâm như nhìn qua một lớp nước, giảm màu sắc, có thể biến dạng hình (metamorphopsia) do tụ thanh dịch dưới hoàng điểm và võng mạc (Hình 2, nguồn internet). Bệnh thường xảy ra ở một mắt nhưng có tới 30-40% trường hợp xảy ra ở hai mắt. Những người mắc bệnh này thường là nam trẻ tuổi từ 25 – 50, nữ thường cao tuổi hơn và có liên quan tới thai nghén. Bệnh nhân mắc bệnh lu pút ban đỏ (một bệnh tự miễn toàn thân) có xác suất bị bệnh cao hơn.

3. Steroids sử dụng đường uống hoặc tĩnh mạch có thể gây đái tháo đường thứ phát, tiềm ẩn nguy cơ bệnh võng mạc do đái tháo đường, nhất là ở những người cao tuổi, có chỉ số BMI (body mass index) cao, những người có liều tổng cộng và thời gian sử dụng thuốc kéo dài, hoặc có những biểu hiện rối loạn đường huyết từ trước: https://giaidapbenhmatthongthuong.wordpress.com/2013/12/08/benh-vong-mac-do-tieu-duong-2/.

4. Dùng thuốc nhỏ mắt có chứa steroids trong đau mắt đỏ không có chỉ định của bác sỹ rất nguy hiểm, có thể làm trầm trọng các bệnh nhiễm trùng mắt, gây viêm loét, thậm chí thủng giác mạc. (Hình 3, nguồn internet).

5. Nghiêm trọng không kém, steroids có thể gây tăng nhãn áp, thậm chí thiên đầu thống/glôcôm (tổn thương thần kinh thị gây bởi cao nhãn áp, dẫn tới tổn thương thị trường: https://giaidapbenhmatthongthuong.wordpress.com/2013/12/08/benh-thien-dau-thong-4/. Theo thống kê của Viện mắt TƯ, khoảng 1/3 số bệnh nhân mắc glôcôm góc mở được điều trị tại viện có tiền sử sử dụng thuốc nhỏ mắt có chứa corticoid (C. Dexacol, Polydexa, Polymax, Neodex.. .). Những yếu tố nguy cơ dẫn làm tăng khả năng này bao gồm glôcôm góc mở tiên phát, cao nhãn áp từ trước, đái tháo đường loại 1, tuổi quá nhỏ (trẻ hơn 6 tuổi) hoặc cao tuổi, cận nặng, phẫu thuật thay giác mạc toàn bộ (Bảng 23.1 in Shields Textbook of Glaucoma, Sixth Ed., trang 346). Khoảng 3% những người có biểu hiện cao nhãn áp do steroids sẽ tiến triển thành glôcôm, những người này thường có tiền sử có glôcôm trong gia đình.

Những trường hợp sử dụng corticosteroids sau LASIK kéo dài có nguy cơ mắc glôcôm thứ phát đặc biệt cao vì dịch viêm giữa giao diện LASIK và nhu mô giác mạc làm cho việc xác định nhãn áp đặc biệt khó khăn, thường cho kết quả thấp giả tạo, dẫn tới tăng nguy cơ bị glôcôm nếu sử dụng kéo dài (http://www.jcrsjournal.org/article/S0886-3350%2800%2900382-5/abstract).

Bạn nên làm gì?

1. Không nên sử dụng những sản phẩm/thuốc có steroids, nhất là các thuốc nhỏ mắt có chứa corticosteroids mà không có chỉ định của bác sỹ.

2. Nếu bạn sử dụng các sản phẩm này lâu dài vì một lý do nào đó, nên thăm khám bác sỹ mắt để theo dõi các tác dụng phụ của nó với mắt bạn.

3. Nếu trong quá trình sử dụng các sản phẩm có corticosteroids, kể cả kem/ thuốc mỡ để điều trị bệnh ngoài da mà bạn có biểu hiện nhìn mờ, hãy đến thăm khám bác sỹ mắt để sàng lọc những tác dụng phụ nói trên.

Tóm lại, các sản phẩm có chứa steroids có nhiều tác dụng có hại cho mắt như gây đục thủy tinh thể, đái tháo đường thứ phát, viêm hắc võng mạc trung tâm thanh dịch, nghiêm trọng hơn là viêm loét giác mạc, và thiên đầu thống.

Không sử dụng những sản phẩm/thuốc có chứa steroids mà không có chỉ định của bác sỹ và đến khám bác sỹ mắt nếu bạn sử dụng những sản phẩm/thuốc này lâu dài hoặc có những biểu hiện về thị lực trong quá trình sử dụng thuốc.

Tài liệu tham khảo

1. Clore JN, Thurby-Hay L. Glucocorticoid-induced hyperglycemia. Endocr Pract. 2009;15:469–474.

2. Effect of Corticosteroids on Cataract Formation. Harold W. Skalka, MD; Josef T. Prchal, MD; Arch Ophthalmol. 1980;98:1773-1777.

3. Herschler J. Increased intraocular pressure induced by repository corticosteroids. Am J Ophthalmol. 1976;82:90-93.

4. Johnson DH, Bradley JM, Acott TS. The effect of dexamethasone on glycosaminoglycans of human trabecular meshwork in perfusion organ culture. Invest Ophthalmol Vis Sci. 1990;31:2568-2571.

5. Jones R III, Rhee DJ. Corticosteroid-induced ocular hypertension and glaucoma: a brief review and update of the literature. Curr Opin Ophthalmol. 2006;17:163-167.

6. Steely HT, Bowder SL, Julian MB, et al. The effects of dexamethasone on fibronectin expression in cultured human trabecular meshwork cells. Invest Ophthalmol Vis Sci.1992;33: 2242-2250.

7. Vedantham V. Intraocular pressure rise after intravitreal triamcinolone. Am J Ophthalmol. 2005;139:575.

Exit mobile version