Site icon Kính mắt Việt Hàn

Sử dụng thuốc nhỏ mắt đúng cách

BS.Dương Nguyễn Việt Hương

Thuốc nhỏ mắt có nhiều loại, đặc trị các loại bệnh khác nhau, thường được sử dụng theo chỉ định của bác sĩ, nhưng có một số người thường tự mua thuốc nhỏ mắt về sử dụng  khi đọc quảng cáo cho rằng một loại thuốc nhỏ mắt nào đó có tác dụng tốt, điều này có thể gây ảnh hưởng xấu đến đôi mắt “cửa sổ tâm hồn” và để lại hậu quả khó lường. Vì vậy chúng ta cần biết sử dụng thuốc nhỏ mắt đúng cách.
Câu hỏi :

1. Thưa bác sĩ, thuốc nhỏ mắt có 2 dạng là thuốc nhỏ mắt dạng nước và dạng mỡ. Cách sử dụng hai dạng thuốc này như thế nào? Có điều gì cần lưu ý?

Hiện thuốc dùng tại mắt có thể phân chia thành 2 nhóm: lỏng và đặc.

Dạng đặc có dạng thuốc mỡ và dạng gel, cả 2 dạng đều dùng để tra mắt và cách sử dụng như nhau. Khi tra thuốc, chúng ta sẽ dùng một ngón tay kéo mi dưới xuống, tay còn lại tra thuốc vào mắt 1 đoạn khoảng 1cm. Tra xong thuốc chúng ta nhớ chớp mắt nhẹ vài lần để thuốc tráng đều trên mắt.

Dạng lỏng có dạng dung dịch hoà tan và dung dịch không hoà tan (nhũ tương, thường có màu trắng đục).  Đối với thuốc dạng nhũ tương chúng ta phải lắc kỹ lọ thuốc trước khi dùng để các thành phần thuốc được hoà trộn với nhau, rồi mới nhỏ thuốc. Thuốc dạng lỏng thường được chứa trong lọ nhựa trong suốt nên có thể hấp thụ ánh sáng, làm thay đổi thành phần lý hoá của thuốc khiến cho thuốc bị mất tác dụng. Do đó chúng ta nên cất giữ lọ thuốc tránh nơi tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng. Một điều cần lưu ý nữa là mỗi con mắt chỉ chứa được khoảng 10 microlit nước, trong khi đó thể tích một giọt thuốc khoảng từ 20 đến 25 microlit, như vậy mỗi lần nhỏ chúng ta chỉ cần nhỏ 1 giọt là đã đủ để thuốc có hiệu quả, không phải lãng phí thuốc. Trong trường hợp phải nhỏ nhiều loại thuốc cùng một lúc, thì sau khi nhỏ một loại, chúng ta chờ ít nhất khoảng 5 phút rồi mới nhỏ loại thuốc tiếp theo, để thuốc có thể ngấm đủ và đạt hiệu quả điều trị.

Lưu ý chung dành cho cả hai dạng thuốc, đó là khi tra hay nhỏ thuốc, tránh không để đầu tip của lọ thuốc chạm vào mắt hay vào tay, để tránh nhiễm bẩn. Khi lọ thuốc đã mở ra rồi thì thường chỉ dùng trong một tháng, sau đó nếu còn thuốc vẫn không được dùng mà phải bỏ đi. Và hai người khác nhau không được dùng chung một lọ thuốc.

2. Ngoài thị trường, có nhiều loại thuốc nhỏ mắt được quảng cáo là có tác dụng tốt, và khi sử dụng thì có tác dụng tức thời như hết đỏ mắt, nhưng nếu sử dụng tùy tiện thì có gây tác hại gì không?

Ở người bình thường, mắt đỏ là do các mạch máu tại mắt dãn ra, trong những trường hợp khô mắt, tiếp xúc nhiều với nắng-gió-bụi, hay bị dị ứng. Trên thị trường đúng là có các loại thuốc được quảng cáo có tác dụng làm hết đỏ mắt tức thì, thường chứa các chất như imidazoline, kháng dị ứng hay kháng viêm, đúng là có tác dụng làm giảm đỏ mắt, giảm cộm xốn, khó chịu tại mắt ngay tức thì. Tuy nhiên chúng ta phải hết thận trọng.

Imidazoline và chất kháng dị ứng (antihistamine) có tác dụng làm co mạch, do đó làm mắt bớt đỏ. Tuy nhiên nó chỉ có tác dụng tạm thời, khi thuốc hết tác dụng mắt sẽ đỏ trở lại. Khi dùng lâu, thuốc sẽ làm tổn thương mạch máu, gây ra tình trạng phụ thuộc thuốc và mắt sẽ cứ đỏ liên tục.

Kháng viêm là loại thuốc đặc trị chỉ được dùng trong một số bệnh lý nhất định theo chỉ định của bác sĩ, ví dụ như viêm màng bồ đào, kiểm soát viêm sau phẫu thuật mắt… Thuốc kháng viêm như “con dao hai lưỡi“, nếu sử dụng đúng sẽ có hiệu quả rất tốt, nếu sử dụng không đúng sẽ gây ra hậu quả nặng nề. Nó có thể làm phản ứng nhiễm trùng mạnh hơn, đôi khi gây ra biến chứng đáng tiếc như thủng giác mạc (thủng tròng đen của mắt). Nếu nhỏ kháng viêm lâu ngày sẽ gây ra rất nhiều biến chứng, như đục thuỷ tinh thể, glaucome (cườm nước)… làm mắt nhìn mờ, hoặc mù loà vĩnh viễn.

Do đó, khi có triệu chứng hoặc bệnh lý tại mắt, chúng ta nên đi khám và dùng thuốc theo toa của bác sĩ, tránh tự mua thuốc đôi khi gây ra hậu quả đáng tiếc không thể phục hồi được.

3. Thuốc nhỏ mắt có kháng sinh, corticoid thì nên lưu ý gì khi sử dụng?

Lời khuyên đầu tiên là chúng ta không nên tự mua thuốc, mà chỉ nên sử dụng thuốc theo toa và hướng dẫn của bác sĩ, đặc biệt là kháng sinh và cortocoid.

Corticoid là một loại kháng viêm, do dó cũng có những tác hại như đã nêu trên.

Thuốc nhỏ kháng sinh được dùng để điều trị các bệnh lý nhiễm trùng tại mắt. Có nhiều loại vi khuẩn khác nhau có thể gây bệnh, và tuỳ loại vi khuẩn mà người bác sĩ sẽ chọn lựa loại thuốc phù hợp, với liều lượng và thời gian sử dụng phù hợp. Để điều trị khỏi bệnh thì phải đúng thuốc, đủ liều và đủ thời gian. Do đó, nếu chúng ta tự mua thuốc không đúng loại, hoặc cho dù đúng thuốc nhưng chúng ta nhỏ không đủ liều hay không đủ thời gian, sẽ khiến bệnh không khỏi, hay thậm chí diễn tiến nặng hơn. Bên cạnh đó, tự nhỏ thuốc kháng sinh trong thời gian dài thì mắt sẽ chịu các tác dụng phụ do chất bảo quản của thuốc gây ra (cộm xốn, ngứa, rát, chảy nước mắt…), và có khả năng làm cho vi khuẩn trở nên kháng thuốc, rất nguy hiểm.

Trên thị trường còn có loại kháng sinh kết hợp corticcoid, nếu tự mua sử dụng có thể gặp các vấn đề vừa của kháng sinh vừa của corticoid.

Do đó đối với kháng sinh, corticoid, chúng ta chỉ nên dùng thuốc theo toa bác sĩ, và thực hiện đúng y lệnh, nhỏ thuốc đủ liều, đúng thời gian quy định, khi bác sĩ quyết định ngưng thuốc thì ngưng, không tự ý dùng tiếp hay sau này dùng toa cũ đi mua để dùng.

4. Sử dụng nước mắt nhân tạo thế nào là đúng cách?

Nước mắt nhân tạo là thuốc nhỏ có tác dụng bôi trơn và duy trì độ ẩm trên bề mặt nhãn cầu, thường được dùng để điều trị khô mắt do lão hoá, do tác dụng phụ của thuốc, do bệnh lý hay phẫu thuật tại mắt, hoặc do môi trường (khói, bụi, gió nhiều, khô…).

Nước mắt nhân tạo là sản phẩm có thể mua mà không cần kê toa. Hiện trên thị trường có rất nhiều loại nước mắt nhân tạo, đôi khi chúng ta cần phải thử dùng qua nhiều loại khác nhau để tìm được một loại nước mắt nhân tạo “hợp“ với mình. Nhìn chung thì cách nhỏ và bảo quản nước mắt nhân tạo cũng giống như các loại thuốc nhỏ mắt khác.

Trên thị trường có 2 loại nước mắt nhân tạo: có chất bảo quản và không có chất bảo quản. Chất bảo quản có tác dụng diệt và ức chế vi khuẩn khi lọ thuốc được mở ra, và đôi khi chất bảo quản có thể làm mắt bị cộm xốn, khó chịu, nhất là ở những người khô mắt vừa-nặng. Loại có chất bảo quản được chứa trong lọ như các thuốc nhỏ mắt khác. Loại không có chất bảo quản được chứa trong các tép nhỏ, mỗi tép sử dụng trong vòng 24 giờ sau khi mở nắp. Thường sử dụng nước mắt nhân tạo không có chất bảo quản khi mắt khô ở mức độ vừa-nặng, phải nhỏ thuốc hơn 4-6 lần/ngày

Exit mobile version