Site icon Kính mắt Việt Hàn

Kính Áp Tròng (Contact Lenses)

Giới thiệu chung về kính áp tròng

Kính áp tròng là loại kính tiếp xúc trực tiếp vào bề mặt của kết giác mạc, được sử dụng để sửa chữa tật khúc xạ (cận thị, viễn thị, loạn thị, gần đây cả lão nhưng tôi sẽ không đề cập tới trong phần này) và giảm các triệu chứng gây ra bởi tổn thương của bề mặt của kết giác mạc (một vài ví dụ giảm đau trong như loét (trợt) giác mạc, bệnh giác mạc bọng (bullous keratopathy), quặm, mí mắt lộn trong, v.v…).

Kính áp tròng dùng cho mục đích sửa tật khúc xạ đã có lịch sử lâu đời từ những năm 1880s (bằng thủy tinh), nhưng mãi tới những năm 40 của thế kỷ trước kính áp tròng làm bởi polymethymethacrylate (PMMA) mới được sử dụng. Ước tính năm 2004 có khoảng 125 triệu người trên thế giới sử dụng kính áp tròng, đem lại một nền kinh tế có doanh thu khoảng 6.1 tỷ đô la Mỹ theo ước tính năm 2010. Thị trường kính áp tròng lớn nhất thế giới là Mỹ với khoảng 30 triệu người sử dụng và 2.1 tỷ đô la doanh thu.

Lý do khiến người ta chọn kính áp tròng thay vì kính gọng là vì kính áp tròng thường tạo thị lực ngoại biên (peripheral vision) tốt hơn, không bị mờ bởi mưa, không khí ẩm bên ngoài, tuyết hay mồ hôi. Điều này làm cho kính áp tròng trở nên tiện lợi hơn nhiều so với kính gọng nếu bạn tập thể thao hoặc tham gia các hoạt động ngoài trời. Thêm vào đó kính áp tròng tỏ ra ưu việt hơn hẳn kính gọng trong điều trị những bệnh như giác mạc hình chóp (keratoconus) hoặc khác biệt về kích thước hình ảnh giữa hai mắt (aniseikonia).

Trong những năm gần đây, một trào lưu sử dụng kính áp tròng cho mục đích làm đẹp (cosmetic contact lens) xuất hiện. Giới trẻ hào hứng hưởng ứng nó vì nó đem lại cảm giác mới mẻ, trẻ trung. Tuy nhiên thị trường cung cấp những loại kính áp tròng cho mục đích này thường ít được kiểm soát bởi các cơ quan chức năng y tế, do đó không phải không ít rủi ro.

Ở những nước như Mỹ, Anh, Canada, và Úc, kính áp tròng có mục đích làm đẹp được coi như kính áp tròng bình thường và những người sử dụng loại kính này cần được bác sỹ mắt khám để có được lời khuyên thích hợp, để được theo dõi trong quá trình sử dụng nhằm tránh những rủi ro không cần thiết như viêm giác mạc nhiễm trùng, dẫn tới sẹo giác mạc và có thể giảm mất thị lực vĩnh viễn.

Việc sử dụng kính áp tròng có một số rủi ro nhất định và bài viết này nhằm cung cấp những thông tin cần thiết về việc sử dụng kính áp tròng an toàn, tránh được những rủi ro không đáng có cho bản thân và người thân của bạn.

Kính áp tròng được làm bằng vật liệu gì và sự khác nhau giữa chúng?

Kính áp tròng có thể bao gồm những nhóm lớn sau: cứng (hard, làm bằng PMMA), tương đối cứng và thẩm khí (rigid and gas permeable, RGP), mềm và hybrid. Nếu chi tiết quá khó, bạn chỉ cần đọc phần in đậm là đủ hiểu.

Kính áp tròng loại cứng: chưa bao giờ chiếm được cảm tình của người sử dụng vì những tác dụng phụ như gây đỏ mắt, cảm giác khó chịu trong mắt, nhiễm trùng giác mạc do không cho oxy thấm qua.

Kính áp tròng dai và thấm khí: xuất hiện từ những năm 70, cho phép sửa tật khúc xạ kể cả loạn thị vì kính làm đồng đều độ cong của giác mạc.

  • Những mẫu RGP ban đầu được làm bằng cellulose acetate butyrate (CAB) có nhược điểm là có độ ẩm kém (poor wettability) và hầu như không được sử dụng nữa.
  • Kính áp tròng RGP bằng silicone acrylate. Vì silicone cho có tính thẩm khí cao nên oxy có thể qua kính áp tròng vào giác mạc. Kính không có nước trong thành phần vật liệu, do đó thường không hấp thu những chất như protein hay lipid trên bề mặt, do đó giữ được độ sạch của bề mặt kính tốt hơn so với kính mềm. Tuy nhiên duy trì độ ẩm bề mặt vẫn là nhược điểm của kính loại này.
  • Loại kính áp tròng RGP mới nhất được làm bằng fuoropolymer. Thành phần fluorine tăng khả năng thẩm khí của kính, do đó cho phép đeo được lâu hơn, tuy nhiên kính có nhược điểm là giảm cảm giác dễ chịu khi đeo.

Kính áp tròng mềm: làm từ hydrogel polymer, hydroxyethyl methacrylate và ra đời những năm 60 – 70. Kính mềm có ưu điểm là làm giảm thời gian thử và dung nạp kính và tạo cảm giác dễ chịu khi đeo. Những năm cuối 90 silicone hydrogel chào đời. Ưu điểm của silicone là nó làm giảm sự phụ thuộc của tính thẩm khí của hydrogel vào độ ẩm trên bề mặt của mắt và do đó tăng độ thẩm khí của kính, giúp cho kính có thể đeo được lâu hơn (extended lens). Nhược điểm của silicone là làm tăng độ cứng của kính, do đó giảm cảm giác dễ chịu và do tính khiếm nước của silicone, làm cho kính ít được làm ẩm (less wettable).

Kính hybrid: sử dụng kỹ thuật “piggybacking”, tức là chở ai đó trên lưng. Kính bao gồm một kính cứng (nhỏ hơn) trên bề mặt của một kính mềm nhằm phối hợp ưu điểm của cả hai loại vật liệu.

Do sự khác nhau về cấu trúc, kính áp tròng có thể được sử dụng với thời gian khác nhau. Kính sử dụng một ngày (daily wear, DW) dùng trong ngày và tháo bỏ trước khi đi ngủ. Kính dùng một tuần (extended wear) cho phép dùng 6 đêm liên tiếp và thay vào đêm thứ 7. Một số kính silicone hydrogels có khả năng thẩm khí tốt 5 – 6 so với kính DW nên có thể dùng qua đêm và có thể dùng liên tiếp tới một tháng (continuous wear, CW), thậm chí dài hơn.

Vậy loại kính nào phù hợp với bạn và bao lâu bạn nên thay kính?

Để xác định được loại nào phù hợp với mắt bạn và độ lớn của kính bạn cần phải tới khám bác sỹ mắt có kinh nghiệm về kính áp tròng. Bác sỹ của bạn sẽ khám xem mắt bạn có phù hợp với kính áp tròng hay không và loại nào là tốt nhất. Những chống chỉ định thường gặp khi đeo kính áp tròng bao gồm:

  1. Viêm hay nhiễm trùng ở mắt, kể cả những viêm nhiễm ở mi mắt như viêm bờ mi, hay viêm giác kết mạc dị ứng
  2. Khô mắt vừa đến nặng (xem bài Chứng Khô Mắt),
  3. Sẹo mi mắt dẫn tới khó khăn trong việc đeo và tháo kính,
  4. Sử dụng thuốc nhỏ mắt có thể gây bám đọng vào kính áp tròng, hay các thuốc toàn thân có thể gây khô mắt (xem phụ lục bài Chứng Khô Mắt),
  5. Không có đủ tính tự giác do quá nhỏ tuổi (thường dưới 17), hay không đủ khả năng về sức khỏe, trí tuệ hay tình trạng tâm thần để tự thực hiện các biện pháp cần thiết liên quan tới sử dụng an toàn kính áp tròng.

Những kỹ thuật viên nhãn khoa cũng sẽ đo độ tật khúc xạ của bạn và làm những chuẩn đoán cận lâm sàng cần thiết như chẩn đoán hình ảnh giác mạc trước để xem bạn liệu kính áp tròng có phù hợp với bạn không.

Ở Hà lan việc đo độ kính áp tròng và hướng dẫn sử dụng an toàn cũng như bảo quản kính áp tròng tiếp theo sẽ được tiến hành bởi những chuyên gia về kính áp tròng.

Sử dụng kính áp tròng như thế nào là đúng?

  1. Sử dụng loại kính áp tròng phù hợp (thăm khám bác sỹ mắt và không tự ý sử dụng kính áp tròng từ nguồn không tin cậy). Những hãng thường gặp và đáng tin tưởng có thể kể đến như Cooper Vision, CIBA Vision, Bausch & Lomb, Alcon và lâu đời nhất có lẽ là Johnson & Johnson với kính áp tròng Acuevue.
  2. Thay kính áp tròng đúng hạn,
  3. Tránh để kính tiếp xúc với nước, dù là nước máy, nước biển, hay nước tiệt trùng, v.v…
  4. Luôn đem theo hộp bảo quản kính áp tròng và dung dịch bảo quản kính,
  5. Không dùng chung kính áp tròng (theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát Dịch Hoa Kỳ (Center of Disease Control, CDC) người ta đã phân lập được virus HIV ở nước mắt của những bệnh nhân mắc AIDS, mặc dù cho tới nay chưa có ca nào lây qua đường này được ghi nhận).
  6. Giữ móng tay ngắn và không sắc cạnh khi sử dụng kính áp tròng, tránh gây xước kết giác mạc khi đeo hoặc tháo kính áp tròng.
  7. Đeo và tháo kính áp tròng đúng hướng dẫn:

Đeo kính áp tròng:

  • Rửa tay sạch và lau khô bằng khăn sạch trước khi đeo kính áp tròng,
  • Luôn kiểm tra độ trong cũng như sự toàn vẹn của kính áp tròng (không có gờ sắc) trước khi sử dụng,
  • Bắt đầu bằng mắt phải, mở lấy kính áp tròng và đặt kính vào lòng bàn tay, sau đó dùng dung dịch bảo quản kính do bác sỹ/chuyên gia kính áp tròng của bạn khuyên dùng,
  • Đặt kính áp tròng đúng chiều vào đầu ngón trỏ của tay thuận của bạn,
  • Dùng ngón giữa bàn tay cầm kính áp tròng kéo mi dưới xuống, ngón trỏ của bàn tay kia mi trên của mắt phải lên trên, và đặt kính nhẹ nhàng áp vào mắt (có thể nhìn lên trên giống như trong video hướng dẫn ở dưới),
  • Buông ngón tay ở mi dưới trước (nếu bạn nhìn lên trên thì nhìn xuống dưới để đưa kính áp tròng vào vị trí) và sau đó buông ngón tay ở mi trên,
  • Nhắm mắt và chớp một vài lần để kính áp tròng vào vị trí tối ưu,
  • Nhìn vật thể ở xa với mắt kia bịt kín để chắc chắn là kính áp tròng ở đúng vị trí,
  • Thực hiện lại các thao tác trên với mắt trái.

Tháo kính áp tròng:

  • Rửa tay sạch và lau khô bằng khăn sạch trước khi tháo kính áp tròng,
  • Kiểm tra trước gương để chắc chắn kính áp tròng còn trong vị trí của mắt (tránh gây xước kết giác mạc do tháo kính áp tròng khi không có kính trong mắt),
  • Bắt đầu bằng mắt phải, dùng ngón trỏ của tay không thuận của bạn kéo mi trên của mắt phải lên trên và ngón giữa tay thuận kéo mi dưới mắt phải xuống dưới,
  • Dùng ngón trỏ của tay thuận kéo nhẹ kính áp tròng xuống dưới,
  • Bóp nhẹ hai ngón trỏ và ngón cái nhẹ nhàng bóp và lấy kính áp tròng ra ngoài,
  • Đặt kính vào lòng bàn tay và dùng dung dịch bảo quản kính áp tròng để rửa kính với ngón trỏ di đi di lại trên bề mặt kính khoảng 30s,
  • Bỏ kính vào hộp và bảo quản kính bằng dung dịch bảo quản (luôn dùng dung dịch mới, không dùng dung dịch cũ hoặc pha dung dịch mới vào dung dịch cũ trong hộp), sau đó đậy nắp hộp. Luôn sử dụng dung dịch bảo quản kính áp tròng để rửa hộp (không dùng nước máy/nước trong chai) và mở hộp để hộp khô khi không có kính trong hộp. Cứ 3 tháng/lần thay hộp để đảm bảo hộp luôn vệ sinh,
  • Thực hiện lại các thao tác trên với mắt trái,
  • Nếu bạn cảm thấy khó khăn dùng tay, bạn có thể sử dụng “contact lens suction cup” để tháo kính.

Những nguy cơ gì có thể xảy ra khi sử dụng kính áp tròng không đúng?

Khoảng 5% người sử dụng kính áp tròng có biến chứng. Biến chứng của việc sử dụng kính áp tròng rất đa dạng và có thể rất nguy hiểm đến thị lực, gây giảm mất thị lực vĩnh viễn nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Vì vậy nếu bạn có biểu hiện ở mắt dù là nhỏ nhất khi sử dụng kính áp tròng, bạn cần liên lạc ngay với bác sỹ mắt của bạn để được khám và nếu cần điều trị kịp thời, tránh những biến chứng và hậu quả không cần thiết tới thị lực. Những biến chứng thường gặp bao gồm:

  1. Kính không khớp (poor fit):
  • kính bám quá chặt (tight fit) dẫn tới cảm giác dễ chịu lúc đầu nhưng nhanh chóng dẫn tới các biểu hiện như đỏ mắt trầm trọng, đau mắt và nhìn mờ do phù giác mạc (Hội chứng kính áp quá chặt, tight lens syndrome),
  • kính bám quá lỏng dẫn tới di động nhiều hơn bình thường, thường là lệch trung tâm dẫn tới cảm giác khó chịu do gờ của kính cọ sát vào mi mắt, và dẫn tới thay đổi thị lực khi chớp mắt.
  • Cả hai điều trên đồng nghĩa với việc phải thay đổi kính áp tròng khác phù hợp với mắt hơn.
  1. Thiếu oxy giác mạc (corneal hypoxia): khi đeo kính lâu hơn thời gian quy định dẫn tới đỏ mắt, cảm giác khó chịu, viêm giác mạc chấm (puntate kerathopathy), phù giác mạc và hoặc mạch máu tân tạo trên bề giác mạc. Tránh bằng cách thay kính đúng thời hạn.
  2. Rạn nứt gờ của kính áp trong có thể gây đau khi đeo kính, đòi hỏi phải thay kính.
  3. Phản ứng đối với thành phần có trong dung dịch bảo quản kính áp tròng có thể gây đỏ mắt và cảm giác khó chịu. Thay đổi dung dịch bảo quản mới sẽ giải quyết được vấn đề này.
  4. Phản ứng dị ứng ở mắt do lắng đọng trên bề mặt của kính áp tròng hay ở những người đã có tiền sử dị ứng có thể hết khi dừng dùng kính áp tròng nhưng nếu bạn nhất thiết muốn dùng kính áp tròng thì cần thay kính thường xuyên hơn và sử dụng thuốc chống dị ứng kèm theo.
  5. Thay đổi độ cong giá mạc, thường với kính cứng hoặc RGP. Do đó những người đeo kính áp tròng trong quá trình chuẩn bị mổ phaco, thường phải sau một tuần tháo kính áp tròng mới nên đo độ của thủy tinh thể nhân tạo.
  6. Biến chứng nguy hiểm ở giác mạc:
  • Nhiễm trùng hoặc loét giác mạc do kính không khớp hay do không theo đúng các nguyên tắc vệ sinh khi sử dụng kính áp tròng. Tỷ lệ nhiễm trùng giác mạc liên quan tới sử dụng kính áp tròng vào khoảng 2-4/ 10.000 người sử dụng, và cao hơn khoảng 5 lần ở những người sử dụng kính có thời dan đeo dài (extended wear). Tác nhân gây nhiễm trùng thường gặp gồm có trực khuẩn mủ xanh Pseudomonas spp., Klebsiella spp, nhưng nguy hiểm nhất là Acanthamoeba , một loại amíp có mặt trong các nguồn nước ngọt (ao hồ, nước máy, v.v…), đất và phân động vật/người có khả năng gây nhiễm trùng giác mạc, gây đau mắt dữ dội, mắt nhậy cảm với ánh sáng, chảy nước mắt dữ dội, nhìn mờ. Bệnh tiến triển thường gây sẹo đục giác mạc, rất nguy hiểm cho thị lực và thường là nguyên nhân dẫn tới thay giác mạc.

  • Trợt giác mạc do dị vật nằm dưới kính áp tròng và có thể dẫn nhiễm trùng giác mạc, cần phải điều trị bằng kháng sinh.
  • Viêm phần trên của kết giác mạc gây đỏ kết mạc và viêm kết mạc dạng chấm ở phần trên kết giác mạc. Dừng sử dụng kính áp tròng sẽ khỏi.
  • Mạch máu tân tạo ở giác mạc do thiếu ô xy. Thay đổi kính có độ thẩm khí tốt hơn và thay đổi độ chặt của kính, cũng như là đeo với thời gian ngắn hơn có thể sẽ đem lại hiệu quả. Nếu điều này không đem lại kết quả nên dừng dùng kính áp tròng.

Khi nào bạn nên làm cuộc hẹn cấp với bác sỹ mắt của bạn?

Khi bạn có những biểu hiện mắt đỏ, đau hoặc cộm mắt, chảy nước mắt dữ dội, mắt nhạy cảm với ánh sáng, và nhìn mờ, không nên chần chừ mà làm ngay cuộc hẹn cấp với bác sỹ mắt!

Tóm lại biến chứng của việc sử dụng kính áp tròng không đúng là không lường và có thể gây nguy hiểm tới thị lực vĩnh viễn nên chỉ định và theo dõi sử dụng kính áp tròng cần hướng dẫn và giúp đỡ của các bác sỹ mắt và chuyên gia kính áp tròng. Các biện pháp về vệ sinh khi đeo và tháo, bảo quản kính áp tròng là yếu tố vô cùng quan trọng quyết định sự an toàn sử dụng của kính áp tròng.

Hy vọng điều này giúp ích cho các bạn và gia đình!

Tài liệu tham khảo:

–          Basic and Clinical Scinece Course, Clinical Optics, Chapter 5, American Academy of Ophthalmology, 2009-2010.

–          http://en.wikipedia.org/wiki/Contact_lens

–          Oxford Handbook of Ophthalmology, second edition, Chapter 19, Oxford University Press, 2009.

–          Stapleton F; Contact lens-related microbial keratitis: what can epidemiologic studies tell us? Eye Contact Lens. 2003 Jan;29(1 Suppl):S85-9; discussion S115-8, S192-4.

Exit mobile version