Site icon Kính mắt Việt Hàn

Chứng Khô Mắt (Dry Eye Syndrome)

Giới thiệu chung

Chứng khô mắt là một trong những chứng về mắt thường gặp nhất và ngày càng gia tăng, gắn liền với cuộc sống hiện đại. Ở Mỹ khoảng 10% – 20% dân số (khoảng 31,8 tới 63,6 triệu người theo ước tính dân số 2013) có biểu hiện khô mắt, phần lớn trong số này là những người trên 40 tuổi. Khoảng 1 % – 2% dân số (trong đó 90% là phụ nữ) mắc do bệnh Sjögren, một bệnh tự miễn có sự thâm nhập của tế bào lympho vào tuyến bài tiết (trong đó có tuyến lệ và tuyến nước bọt), dẫn tới khô mắt và khô mồm.

Chứng khô mắt được dùng để chỉ rối loạn về phim lệ (tear film) do giảm tiết và/hoặc chóng bay hơi nước mắt, dẫn tới tổn thương bề mặt giác mạc và kết mạc (niêm mạc phủ củng mạc hay long trắng), gây các triệu chứng khô mắt.

http://www.youtube.com/watch?v=VHJawFl4AlA

(đính chính 10 triệu người bị khô mắt như trong video nói)

Bình thường, phim lệ bao gồm 3 lớp cơ bản (Hình 1), từ ngoài vào trong bao gồm (chỉ cần xem phần in đậm và đừng để mình bị hù dọa bởi quá nhiều ngôn từ y học):

  1. Lớp lipid (0,1 µm): được tiết bởi tuyến Meibom và tuyến phụ là Zeiss và Moll và có chức năng NGĂN CẢN BỐC HƠI NƯỚC MẮT. Khi chớp mắt mạnh, lớp này sẽ được dày thêm.
  2. Lớp nước (Aqueous, 0,7 µm): 95% do tuyến lệ chính tiết ra và phần còn lại do các tuyến Krause và Wolfring. Lớp này có nhiệm vụ cung cấp oxy cho biểu mô giác mạc, rửa sạch bề mặt của giác mạc, GIỮ CHO BỀ MẶT GIÁC MẠC ĐƯỢC NHẴN NHỤI, VÀ CHỐNG NHIỄM TRÙNG nhờ IgA, lysozyme và lactoferin trong thành phần protein có mặt trong lớp này. Phản xạ tiết lệ được điều hòa bởi các đầu thần kinh cảm thụ của dây TK sọ số V với những thay đổi về vỡ phim lệ (tear break up), hoặc những phản ứng viêm trên bề mặt của giác và kết mạc. Những tổn thương của các nhánh thần kinh trên bề mặt giác mạc sau điều trị tật khúc xạ bằng là lý do dẫn tới giảm tiết và khô mắt ở nhiều mức độ khác nhau.
  3. Lớp nhày (Mucus 0,2 µm): tiết bởi tế bào biểu mô goblet của kết mạc và giác mạc và có nhiệm vụ LÀM ẨM BỀ MẶT GIÁC KẾT MẠC. Lớp mucin này gắn được vào giác mạc và kết mạc nhờ glycoclalyx, một glycoprotein được tạo ra bởi các tế bào biểu mô kết và giác mạc.

Sự có mặt của cả 3 thành phần của phim lệ giúp bề mặt mắt duy trì độ ẩm và độ trơn, tạo độ nét của hình ảnh và giúp duy trì thị lực bình thường, cũng như tạo cảm giác dễ chịu. Phim nước mắt được đổi mới và rửa sạch nhờ phản xạ chớp mắt.

tearfilm

Hình 1. Cấu trúc và sự kết gắn của phim lệ vào biểu mô kết và giác mạc (nguồn internet).

Nguyên nhân khô mắt: cực kỳ đa dạng nhưng có thể được chia thành 2 nhóm nguyên nhân lớn (nếu cần tra cứu đầy đủ xem phần phụ lục dưới).

Thiểu năng lớp nước (Aqueous layer deficiency): Chỉ định bằng Schirmer’s test < 10 mm (http://tube.medchrome.com/2013/09/schirmers-test-i-ii-dry-eye-screening.html)

Do lệ bay hơi quá nhanh (Evaporative Keratoconjunctivitis sicca (KCS)) chỉ thị bằng Tear Break Up Time (BUT) < 10 s

Bạn có biểu hiện khô mắt?

Tuy chứng khô mắt có rất nhiều biểu hiện khác nhau tùy thuộc vào nguyên nhân nhưng rất nhiều bệnh nhân của tôi tới bệnh viện, gặp tôi và trở về băn khoăn tại sao mình mắc chứng khô mắt trong khi mình lại liên tục chảy nước mắt. Nguyên nhân là do những tổn thương ở trên bề mặt của mắt cộng với phim lệ vỡ quá nhanh dẫn tới những cảm giác khó chịu, hệ quả là phản xạ tiết nước mắt. Do đó mặc dù bạn chảy nước mắt, bề mặt của mắt bạn vẫn tương đối khô.

Các biểu hiện khác bao gồm:

  • Cộm mắt (giống như có hạt sạn trong mắt bạn), nóng đỏ mắt,
  • Ngứa ở mắt,
  • Dử mắt, dính mắt (mattering, caking), nhất là buổi sang khi thức dậy,
  • Cảm giác khó chịu khiến bạn phải thường xuyên chớp, thậm chí dụi mắt,
  • Nhạy cảm với ánh sáng,
  • Cảm giác đau, áp lực ở sau hốc mắt, thậm chí đau đầu,
  • Nhìn mờ hoặc nhập nhòe (blurry vision).

Khô mắt có ảnh hưởng thế nào tới hoạt động sinh hoạt hàng ngày?

Khô mắt ảnh hưởng tới nhiều hoạt động quan trọng hàng ngày như đọc, làm công việc chuyên môn (nhất là những công việc đòi hỏi độ chính xác cao), sử dụng máy vi tính, xem vô tuyến, lái xe ban ngày hoặc ban đêm, v.v…

Bạn có biểu hiện khô mắt, vậy bước tiếp theo là gì?

  • Kể cả khi bệnh còn nhẹ bạn nên đến khám tại cơ sở khám mắt để biết được nguyên nhân, cơ chế và mức độ khô mắt của mình và có những lời khuyên, biện pháp điều trị và theo dõi điều trị chuyên nghiệp.
    • Rất nhiều bệnh toàn thân, bệnh lý bề mặt của mắt sẽ được các bác sỹ mắt phát hiện và nếu cần điều trị hoặc chuyển bạn tới những chuyên khoa cần thiết để chuẩn đoán các bệnh, hội chứng liên quan tới khô mắt. Bác sỹ mắt của bạn có thể thông báo cho bác sỹ nội khoa, tim mạch, hoặc bác sỹ nhà của bạn về tình trạng khô mắt và đưa ra kiến nghị chuyên môn liên quan tới điều chỉnh thuốc. Nếu trẻ của bạn kêu ca về những biểu hiện khô mắt, chảy nước mắt nên đi khám chuyên khoa để loại trừ thiếu Vitamine A vì bệnh này nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn tới mù vĩnh viễn do loét nhuyễn giác mạc (keratomalacia),
    • Bác sỹ của bạn có thể sử dụng một vài questionaires để xác định mức độ khô mắt của bạn: http://dryeyezone.com/encyclopedia/documents/OSDI.pdf,
    • Bác sỹ có thể giúp bạn chọn phương pháp điều trị phù hợp bệnh và với thu nhập của bạn.
    • Bác sỹ của bạn sẽ cho bạn những lời khuyên hữu ích về sử dụng kính chống khô mắt, nên đeo kính áp tròng hay không, nên thay đổi các yếu tố môi trường như thế nào cho thuận lợi, vàTheo dõi bệnh khô mắt của bạn khi cần thiết và tạo chỗ dựa về y tế cho bạn khi bạn việc điều trị và diễn biến của bệnh không theo chiều hướng mong muốn.
  • Sử dụng các thuốc nhỏ mắt theo hướng dẫn của thầy thuốc. Có rất nhiều sản phẩm nước mắt nhân tạo và các thuốc chống khô mắt trên thị trường. Lựa chọn loại nước mắt nào là tùy thuộc vào cơ chế bệnh lý, mức độ khô mắt, cũng như đáp ứng của bệnh nhân với từng loại thuốc.
  • Chứng khô mắt được điều trị như thế nào?

    Điều trị khô mắt đôi khi là điều trị lâu dài, cần sự kiên nhẫn và sự hợp tác tốt giữa bác sỹ và bạn. Bạn cần trang bị cho mình kiến thức về chứng khô mắt và các phương pháp điều trị để có một kỳ vọng đúng đắn vào kết quả điều trị.

    Hiện có rất nhiều phương pháp cũng như sản phẩm điều trị khô mắt. Tựu chung chúng ta có thể điều trị khô bắt bằng những phương pháp sau:

    Bổ xung, thay thế lệ bằng nước mắt nhân tạo

    Có nhiều sản phẩm có mặt trong thị trường, nhưng nhìn chung là các sản phẩm không có chất bảo quản (unidose hoặc EDO) hoặc không có chất bảo quản chứa benzalkonium chloride (ví dụ systane, và Dura Tears của Alcon chứa poliquaternium-1) ít có tác dụng độc hại với biểu mô hơn. Các sản phẩm nhỏ mắt thường dùng cho các trường hợp nhẹ hoặc dùng kết hợp cho các trường hợp nặng hơn (Schimer´s và/hoặc BUT tương ứng < 5 mm và s) hoặc đánh giá mức độ OSDI score từ 23 điểm trở lên tới 100 (vừa tới nặng). Những sản phẩm gel dùng cho những trường hợp từ vừa trở lêncác sản phẩm mỡ chỉ thường dùng cho buổi tối vì thường gây khó chịu, nhìn mờ, mắt kèm nhèm buổi sáng do dính bết mi mắt (ngoại trừ các trường hợp tổn thương bề mặt giác kết mạc nặng có thể dùng ban ngày). Dưới đây là những sản phẩm nước mắt nhân tạo thường gặp ở thị trường Hà Lan và phương Tây:

    1. Sản phẩm có chứa cellulose như carboxymethylcellulose sodium 1%: Celluvisc gel, Allergan; Carboxymethylcellulose sodium 0.5%: thuốc nhỏ Optive, Allergan (duy trì sự bền vững của bề mặt tế bào bằng cách giảm và do đó cải thiện độ thẩm thấu trên bề mặt giác mạc tổn thương do khô mắt); Hypromellose ( Arterlac hoặc Arterlac EDO 0,32%, Bausch & Lomb, B & L; Duratears 0.3%, Alcon),
    2. Sản phẩm có chứa polyvinyl alcohol: Hypotears 1%, Novartis,
    3. Sản phẩm có chứa povidone: thuốc nhỏ Oculotect, hoặc Oculotect Unidose 5%, Norvatis; Protagen 2%, Alcon; hoặc Duratears free 2%, Alcon,
    4. Sản phẩm có chứa sodium hyaluronate: thuốc nhỏ Vismed 0.18%, hoặc Vismed gel 0.3%, Rockmed Pharma; hylo-comod hoặc hylogel 0.1%, URSAPHARM.
    5. Sản phẩm có chứa Carbomeer: thuốc nhỏ Vidisic EDO hoặc Vidisic carbogel, Liposic gel 2mg/g, B & L.
    6. Sản phẩm chứa sodium hyalorunate và carbomeer: thuốc nhỏ hyland, Tramedico (không có chứa chất bảo quản).
    7. Sản phẩm có chứa Polyethylene Glycol 400 0.4% và propylene glycol 0.3%: (Systane Ultra, Alcon), hoặc hydroxypropyl-guar và một trong hai thành phần giống trên (Systane Balance, Alcon) là những thành phần polymer và lipid có thể kết hợp trong điều kiện PH của bề mặt mắt 7,4, tạo kết dính bề mặt của hợp glycocalyx-mucin và có tác dụng bảo vệ niêm mạc giác mạc lâu hơn bình thường. Ngoài ra Alcon còn có sản phẩm Systane Gel Drops, Systane Hydration (combined HP-Guar, Borate and hyaluronate sodium, thích hợp cho người có viêm tuyến Meibom ở bờ mi).
    8. Sản phẩm chứa Polyethylene glycol 400 0.25% và đồng thời có chứa sodium hyaluronate:  Blink Tears (Abott, Medical Optics) cải thiện lớp mucin và do đó cải thiện gắn kết giữa lớp mucin và bề mặt kết giác mạc.
    9. Sản phẩm chứa glycerin (và sodium hyaluronate): thuốc nhỏ Oasis tears 0.2%, Oasis Medical dường như giúp cho việc lành trở lại của các tế bào biểu mô và có khả năng giữa nước nhờ sodium hyaluronate, làm tăng độ ẩm của bề mặt biểu mô. Nó còn tăng độ kết dính khi chớp mắt, làm tăng độ bền phim lệ.
    10. Sản phẩm mới như Evotears, URSAPHARM tạo lớp bảo vệ trên bề mặt lipid của phim lệ, được quảng cáo như một sản phẩm có nhiều ưu việt như không có chất bảo quản, không cần chất phụ trộn (excipient) nên tránh được kính thích bề mặt kết giác mạc, PH trung tính nên không gây cảm giác xót bề mặt, không có nước nên tạo cảm giác rất dễ chịu khi nhỏ, và không có tác dụng thẩm thấu nên không tạo áp lực lên bề mặt tề bào biểu mô giác mạc.

    Hãy tham khảo bác sỹ của bạn về cách dùng các sản phẩm này.

    Ngăn sự bốc hơi hoặc dẫn lưu lệ quá nhanh và bảo vệ niêm mạc tổn thương

    1. Bịt đầu vào tuyến lệ hoặc lòng lệ quản (puntum plugs và intracanalicular plugs): bác sỹ của bạn có thể dùng tấm silicone nhỏ để bịt đầu vào tuyến lệ hoặc lòng lệ quản, làm giảm quá trình thoát lệ khỏi mắt. Có nhiều mẫu khác nhau nhưng về cơ bản những plugs bằng collagen được dùng tạm thời để xác định tính thích hợp của việc điều trị với bệnh nhân, sau đó tấm bịt silicone sẽ được sử dụng cho mục đích dài hơn. Vật liệu silicone có nhược điểm là có thể không vừa lệ quản của bạn và có thể tuột, hoặc có sát vào bờ mi gây khó chịu. Gần đây những vật liệu mới như thermodynamic acrylic polymer hoặc hydrogel được sử dụng để tạo những sản phẩm tự thay đổi phù hợp với kích thước của lệ quản của bạn, tránh tuột hoặc di chuyển trong lệ quản
    2. Đốt bịt đầu lệ quản (puntal cauterization) như giải pháp cuối cùng.
    3. Kính áp củng mạc (scleral lens): có thể là giải pháp mới cho những trường hợp tổn thương nhiều bề mặt kết giác mạc cũng như những trường hợp khô mắt sau laser http://www.eyeworld.org/article-taking-a-second-look-at-scleral-lenses.
    4. Đeo kính che chống bay hơi lệ (Moisture retaining glasses) ngăn chặn không khí vào mắt do đó chống gió, bụi và các dị nguyên vào trong mắt khi đi ra ngoài. Kính được trang bị hệ thống (filtered vent system) giúp lưu thông khí vừa đủ.
    5. Bảo vệ mắt buổi đêm bằng những sản phẩm khác nhau:
    • Đeo goggles hoặc mặt nạ đi ngủ để giảm bay hơi lệ khi đi ngủ. Goggles còn có thể được trang bị bởi những miếng đệm mút có thể thấm nước làm ẩm môi trường quanh mắt,
    • Băng dính mắt hay miếng pressure-patch che một mắt cho những người có loét trợt giác mạc hoặc lagophthalmos,
    • Có thể sử dụng Post-LASIK goggles.

    Xúc tác quá trình tái tạo và tăng trưởng biểu mô giác mạc (vitamin A)

    1. VitA-Pos thuốc mỡ 5%, URSAPHARM, dùng buổi tối.
    2. Tận dụng nguồn Vitamin A tự nhiên từ rau, thịt cá và những nguồn bổ xung khác (xem phần dưới)

    Chống viêm trong trường hợp nặng:

    1. Thuốc nhỏ cyclosporine (restasis) 0.05% theo chỉ định,
    2. Dùng thuốc nhỏ acetyl cysteine 10% trong trường hợp có nhiều chất nhày dính trên bề mặt giác mạc,
    3. Có nhiều kết quả không rõ ràng về việc sử dụng huyết thanh tự thân nhằm điều trị khô mắt http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/23982997.

    Điều trị nguyên nhân dẫn đến khô mắt

    Điều trị chứng khô mắt không thể tách khỏi việc điều trị nguyên nhân dẫn tới khô mắt. Ví dụ

    –          Điều trị Sjögren và các bệnh toàn thể như lupus ban đỏ, sarcoidose, Graves, v.v…

    –          Điều trị các bệnh tại chỗ về mắt như bổ xung Vitamin A, chữa trachoma, v.v…

    –          Viêm bờ mi: bác sỹ có thể cho sử dụng fucidic acid mỡ 2lần/ngày trong 2 tuần + rửa sạch mí mắt bằng nước ấm, pha loãng với dầu gội đầu của trẻ làm giảm viêm bờ mi. Trường hợp nặng, đợt cấp có thêm viêm củng mạc sẽ cần phải điều trị bằng kháng sinh như thuốc nhỏ chloramphenicol 0.4% trong 2 tuần.

    –           Rối loạn hoạt động của tuyến Meibom:

    • trườm nóng mí mắt khoảng 10-15 phút bằng khăn nóng ẩm, 1-2 lần/ngày nhằm tăng tiết của tuyến Meibom và giúp tăng tiết nhày, tránh bay nước mắt và chống viêm,
    • Có nhiều sản phẩm có mặt trên thị trường giúp bạn làm sạch mi mắt và tăng khả năng tiết của tuyến Meibom. Hãng Thea của Bỉ có các sản phẩm như blephaclean hay blephasol (sản phẩm tương tự lidwipes của Alcon) dùng làm sạch mi mắt, blephasteam giúp tạo độ ẩm cho mắt và tăng tiết tuyến Meibom http://www.spectrum-thea.co.uk/blephasteam/blephasteam-and-meibomian-gland-dysfunction.aspx.
    • Trường hợp nặng bác sỹ có thể cho dùng thuốc mỡ tra mắt tetracycline, hoặc uống doxycycline một thời gian.

    –          Mắt nhắm không khít do liệt mặt và có biểu hiện loét giác mạc:

    • Sử dụng lagophthalmos goggles,
    • Bác sỹ của bạn sẽ phải cân nhắc khâu bịt mí mắt ở phía bên hoặc toàn bộ nếu cần.

    –           Khô mắt ở lứa tuổi tiền mãn kinh: Một nghiên cứu cho thấy độ thẩm thấu lệ cũng như mức bài tiết lệ đều được cải thiện ở những phụ nữ tiền mãn kinh sử dụng viên phytoestrogen (Bioos, Montegiorgio, Ý).

    Bạn tối thiểu có thể tự làm những gì để cải thiện tình trạng khô mắt?

    1. Tuyệt đối không điều trị tật khúc xạ bằng laser!!!! khi bị khô mắt (xem bài này),
    2. Chứng khô mắt không tự khỏi và thường mãn tính. Kể cả khi bạn không còn các triệu chứng khô mắt, bạn vẫn nên sử dụng nước mắt nhân tạo 2 lần, tránh triệu chứng quay trở lại.
    3. Kính áp tròng: Không nên đeo kính áp tròng khi có khô mắt nặng và nếu đeo không nên đeo lâu hơn thời gian quy định và theo dõi thường xuyên (1-2 lần/năm) về tình trạng mắt của bạn khi bị khô mắt. Luôn đảm bảo các biện pháp vệ sinh khi đeo và tháo kính và mang theo dung dịch rửa và bảo quản kính áp tròng (sẽ có bài riêng).
    4. Thay đổi các yếu tố môi trường và cách sống nhẳm cải thiện tình trạng khô mắt:
      • Không ngồi sau máy tính, đọc sách, chơi game quá lâu (khoảng 45 phút – 1 h nên dừng lại, đi lại,nhìn xa và chớp mắt),
      • Không ngồi quá gần máy điều hòa,
      • Đo độ ẩm nơi bạn sống và làm việc và chọn các sản phẩm tạo độ ẩm trong nhà và công sở (google term: house humidifier),
      • Sử dụng các tiền Vitamin A (beta-carotene), cùng với nguồn Omega-3 and -6 từ trái cây và rau quả có màu xanh, vàng, và da cam ( đặc biệt là dầu gấc (vinaga của Việt Nam)), hoặc trong động vật như sữa, phô ma (cheese), mỡ, trứng, gan hoặc  trong các loại cá như ngừ, hồi, và cá mòi. Omega-3 và -6 là 2 loại acid béo không bão hòa không tự có trong cơ thể, nhưng có tác dụng giúp giảm phản ứng viêm, do đó giảm mức độ khô mắt,
      • Không hút thuốc, không sử dụng quạt nếu không nhất thiết phải. Sử dụng ít mascara (thay mascrara trong vòng 3 tháng để đảm bảo vệ sinh),
    5. Trước khi thăm khám bác sỹ: vì khô mắt là một hội chứng mãn tính, đôi khi khó điều trị nếu bác sỹ của bạn không có kiến thức và sự chuẩn bị cần thiết cho việc chẩn đoán và thăm khám. Một vài gợi ý có thể giúp bạn và bác sỹ của bạn chuẩn bị tốt cuộc hẹn:
    • chuẩn bị tốt triệu chứng, tiền sử và diễn biến điều trị (kể cả chế độ ăn và cách sống), các biểu hiện toàn thân và các thuốc toàn thân (in/viết ra giấy và nếu có thể fax/email trước cho bác sỹ của bạn sẽ giảm thời gian không cần thiết). Tham khảo: http://dryeyezone.com/encyclopedia/documents/OSDI.pdf. Bình thường OSDI score 0 – 12, nhẹ 13 – 22, vừa phải 23 – 32, nặng 33 – 100
    • chuẩn bị tốt các câu hỏi của bạn trước khi đến khám bác sỹ.
    • cố gắng hy vọng nhưng không có một trông đợi quá mức vào bác sỹ (rất nhiều người sẽ không còn triệu chứng khô mắt nữa sau điều trị nhưng rất nhiều người ở giai đoạn nặng hơn của chứng khô mắt, hoặc có những bệnh toàn thể kèm theo, việc điều trị cần kiên trì và hợp tác tuyệt đối với bác sỹ và hãy nghĩ rằng bạn sẽ “sống chung với lũ” nhưng cuộc sống của bạn sẽ kém phần khó khăn hơn do hậu quả của chứng khô mắt).

    Hy vọng những thông tin trên giúp ích được bạn và gia đình!

    Tài liệu tham khảo:

    1. http://one.aao.org/preferred-practice-pattern/dry-eye-syndrome-ppp–2013.
    2. Oxford Handbook of Ophthalmology, second edition, Chapter 19, Oxford University Press, 2009.
    3. The Wills Eye Manual, Chapter 4.3., Sixth Edition, Lippincott Williams & Winkins, 2012.
    4. Kanski Cinical Ophthalmology, Chapter 7., Sithx Edition, Elsevier, 2007.
    5. Effects of phytoestrogen supplementation in postmenopausal women with dry eye syndrome: a randomized clinical trial. Scuderi G et al. Can J Ophthalmol. 2012; 47(6):489-92.
    6. http://www.dryeyezone.com/.
    7. http://www.youtube.com/watch?v=Dqn1NyyTd2M

    Phụ lục:

    Nguyên nhân khô mắt:

    Thiểu năng lớp nước:

    1.       Do bệnh Sjögren.
    2.       Nhóm bệnh không do Sjögren đa dạng bao gồm:

    i.      Giảm tiết do tuổi, hay thay đổi về hormone (tiền mãn kinh) hoặc do thiếu Vitamin A.

    ii.      Do tổn thương thần kinh như:

    • Tổn thương thần kinh ở bề mặt giác mạc sau điều trị tật khúc xạ bằng laser, hoặc sau viêm kết mạc do virus (ví dụ adenovirus, herpes), hoặc thứ phát do sử dụng thuốc tra mắt có các chất bảo quản trong các bệnh mắt mãn tính như glôcôm.
    • Bệnh Parkinson,
    • Hội chứng Riley-Day.

    iii.      Sẹo kết mạc dẫn tới tắc ống dẫn lệ:

    • Bỏng hóa chất,
    • Trachoma,
    • Pemphigoid sẹo hóa hay hội chứng Steven-Johnson.

    iv.      Giảm hoặc mất các tuyến lệ hoặc bẩm sinh, hoặc hậu phẫu,

    v.      Thâm nhiễm tuyến lệ do khối u hoặc viêm trong các bệnh hệ thống (như trong sarcoidosis, AIDS, graft-vs-host disease (bệnh thải mảnh ghép), viêm khớp dạng thấp, hội chứng Wegener, hội chứng lupus ban đỏ hệ thống).

    Do lệ bay hơi quá nhanh:

    1.      Do thiểu năng tuyến Meibom (Meibomian gland dysfunction):

    i.      Viêm bờ mi (blepharitis), kể cả do rosacea

    ii.      Viêm kết giác mạc dị ứng

    iii.      Mất tuyến Meibom bẩm sinh

    2.      Do mắt nhắm không khít (lagophthalmos):

    i.      Lồi nhãn cầu (như trong bệnh cường tuyến giáp Graves chẳng hạn)

    ii.      Liệt dây VII, dẫn tới liệt mặt và gây mắt nhắm không khít

    iii.      Sẹo mí mắt (do chấn thương, trachoma, khối u, v.v…)

    3.      Các ngyên nhân khác:

    i.      yếu tố môi trường (gió, mùa, ngồi gần máy điều hòa, độ ẩm/bụi nơi cư trú và làm việc, hút thuốc), và tính chất thường xuyên và thời gian của các hoạt động như làm việc nhiều với máy tính, kính hiển vi, đọc sách, chơi games, facebook, skype, v.v…,

    ii.      kính áp tròng, độ dày và vệ sinh mascara,

    iii.      vô số thuốc có tác dụng phụ gây khô mắt như thuốc chống trầm cảm và loạn thần, thuốc hạ huyết áp, thuốc lợi tiểu, kháng histamine, thuốc co mạch, thuốc ngừa thai, v.v…

>>> Hội chứng Khô mắt kỹ thuật số?

Lưu

Lưu

Lưu

Exit mobile version