Site icon Kính mắt Việt Hàn

Tác hại của ánh sáng mặt trời tới mắt

Khi ánh sáng đi vào mắt, UVB được hấp thụ hoàn toàn bởi giác mạc. UVA ngược lại có thể đi qua các lớp của thủy tinh thể (vỏ bao thủy tinh thể trước, nhân và vỏ bao sau), và chỉ khoảng 1% của UVA tới được võng mạc. Phần ánh sáng hiển thị tới võng mạc dễ dàng và khởi động chuỗi phản ứng sinh hóa và tạo ra hình ảnh trên võng mạc.

Nhãn cầu được bảo vệ bởi các tác nhân bên ngoài bởi hốc mắt, lông mày và lông mi. Thêm vào đó các phản xạ như khép mi, nheo mắt, co đồng tử làm giảm lượng ánh sáng (hiển thị) vào mắt. Tuy nhiên những cơ chế bảo vệ giải phẫu này phát huy ít tác dụng đối với UV, nhất là trong những điều kiện đặc biệt như phản xạ từ tuyết, nước, cát, nhìn vào mặt trời khi nhật thực và giường nằm phơi nắng mà không đeo kính bảo vệ.

Những tác hại của ánh nắng đối với mắt rất đa dạng và bao gồm:

Bỏng kết giác mạc do nắng (photokeratitis and photoconjunctivitis) thường xảy ra sau khi tiếp xúc 6 – 12 h và biểu hiện bởi cảm giác bỏng rát ở mắt, chảy nước mắt dữ dội, nhậy cảm với ánh sáng và nhìn mờ. Trường hợp đặc biệt có thể gặp trong bệnh mù do tuyết (snow blindness) trong đó bỏng (kết) giác mạc gây bởi ánh nắng phản chiếu từ tuyết (tuyết mới rơi có thể phản xạ tới 80% UV), thường gặp ở những nơi núi cao, nhiều tuyết, ở Bắc và Nam cực trong điều kiện không khí loãng, dễ cho UV phản xạ.

Khi bị bỏng kết giác mạc bạn nên tìm đến bác sỹ mắt để khám đánh giá mức độ tổn thương. Trườm lạnh, đeo kính, nhỏ nước mắt nhân tạo và nghỉ ngơi sẽ giảm mức độ của các triệu chứng. Trong một vài trường hợp triệu chứng đau rầm rộ, bác sỹ của bạn có thể kê thuốc gây liệt cơ đồng tử tác dụng ngắn như cyclopentolate 1%. Rất hãn hữu bác sỹ của bạn có thể kê kháng sinh mỡ để chống bội nhiễm kết giác mạc.

Bỏng kết giác mạc do nắng thường tự khỏi sau 24 – 48 h và không để lại biến chứng lâu dài. Trường hợp mù do tuyết có thể gây cảm giác đau đớn nhiều khi lớp tế bào biểu mô trên cùng của kết giác mạc bong, tuy nhiên cũng thường tự khỏi sau vài ngày, tuy nhiên một số trường hợp có thể có biểu hiện chảy nước mắt và ngứa mắt mãn tính.

Bệnh mộng mắt (pterygium) là nếp giác mạc do tăng sinh mô và mạch máu, hình tam giác, thường lan từ kết mạc qua vùng rìa vào giác mạc trung tâm do đó có thể gây giảm thị lực. Bệnh liên quan tới kích thích do tiếp xúc lâu với nắng, điều kiện môi trường khô, nóng, và bụi. Thường bệnh được điều trị bằng nước mắt nhân tạo ở giai đoạn đầu và phẫu thuật khi nguy cơ giảm thị lực rõ rệt. Bệnh có thể tái phát ở một tỉ lệ nhỏ bệnh nhân.

Bệnh đục thủy tinh thể

Thoái hóa hoàng điểm

Tuy bằng chứng từ các nghiên cứu không thống nhất nhưng phơi nhiễm với nắng, đặc biệt là ánh sáng lam/da trời dường như làm tăng nguy cơ thoái hóa hoàng điểm, trung tâm của võng mạc (nơi mà các tế bào nón, tế bào võng mạc có chức năng nhận biết độ tương phản và phân biệt màu sắc tập trung nhiều nhất), dẫn tới triệu chứng thường gặp nhất là ám điểm trung tâm và biến hình ở một hoặc hai mắt. Bệnh thoái hóa hoàng điểm thường xảy ra ở người cao tuổi (10% ở nhóm tuổi 65 – 74 và 30% ở nhóm tuổi 75 – 85) và có hai thể. Thể khô (dry macular degeneration, chiếm khoảng 80 – 90%) đặc trưng bởi chất thải tế bào gọi là drusen tập trung giữa võng mạc và hắc mạc, dẫn tới bong lớp biểu mô sắc tố võng mạc và biểu hiện bằng triệu chứng nói trên. Thể ướt (exudative macular degeneration) đặc trưng bởi mạch máu tân tạo tiến triển từ hắc mạc xuyên qua màng Bruch lên võng mạc, gây chảy máu dưới võng mạc, bong biểu mô sắc tố võng mạc, thoát thanh dịch và proteins qua thành mạch vào nhu mô, dẫn tới phù nề hoàng điểm, dịch rỉ cứng. Cả hai thể của thoái hóa hoàng điểm nếu không được điều trị sẽ dẫn tới teo hoàng điểm (macular Kuhnt-junius degeneration). Thể khô không có phương pháp điều trị. Thể ướt điều trị chủ yếu bằng phương pháp tiêm nội nhãn những chất có tác dụng ức chế yếu tố tăng trưởng nội mạch như bevacizumab hay ranibizumab. Xem bài riêng cho phòng chống thoái hóa hoàng điểm.

Bệnh võng mạc do nắng

UVA, ánh sáng hiển thị trong nắng, và tia hồng ngoại từ mặt trời (như khi nhìn nhật thực không bảo vệ) đều có thể đi qua môi trường quang học của mắt (giác mạc, thủy tinh thể và dịch kính) và được hấp thụ bởi các thụ thể ánh sáng của mắt cũng như biểu mô sắc tố võng mạc có chứa lipofuscin, dẫn tới phá hủy oxy hóa những cấu trúc này. Bệnh biểu hiện bằng ám điểm trung tâm hoặc bán tâm, giảm thị lực, giảm màu sắc, biến hình, nhạy cảm với ánh sáng và đau đầu. Bệnh có thể được chẩn đoán bằng kết hợp các kỹ thuật chụp cản quang mạch võng mạc, điện thế võng mạc, và chụp cắt lớp quang học võng mạc. Không có điều trị cơ bản nào cho bệnh và corticosteroid có thể gây tác dụng phụ viêm hắc võng mạc thanh dịch. Tiên lượng về lâu dài tùy thuộc vào thị lực lúc đầu, thời gian và loại ánh sáng phơi nhiễm, độ sắc tố của mắt, độ trong của môi trường quang học của mắt, và điều kiện môi trường như độ phản quang của môi trường và điều kiện của tầng ôzôn. Thường thị lực hồi phục trong vòng một năm tuy nhiên ám điểm (bán) trung tâm có thể tồn tại.

Các bệnh ung thư mắt (sẽ có bài riêng)

Các dạng ung thư mắt gây bởi phơi nhiễm với ánh sáng rất đa dạng và có thể bao gồm các dạng ung thư của mi mắt (ung thư tế bào hắc tố, ung thư biểu mô tế bào đáy, ung thư biểu mô tế bào vảy, ung thư biểu mô tuyến bã); và ung thư tế bào hắc tố giác mạc, mống mắt, và hắc mạc.

Những ai có nguy cơ bị tác động bởi nắng

(Sưu tầm)

 

Exit mobile version