Site icon Kính mắt Việt Hàn

Làm gì khi con bạn bị viễn thị?

Giới thiệu chung

Viễn thị (Hyperopia) là tật khúc xạ trong đó ánh sang tới mắt hội tụ ở phía sau võng mạc, khi mắt ở trạng thái không điều tiết. Mắt viễn thị nhìn tốt ở xa và nhìn mờ ở cự li gần:

https://www.youtube.com/watch?v=6YxffFmi4Eo

Hầu hết viễn thị thuộc dạng giản đơn (hay chức năng) trong đó trục mắt ngắn hơn bình thường, hoặc khả năng hội tụ của giác mạc và/hoặc, thủy tinh thể giảm (giảm độ cong của giác mạc hay tăng độ dầy của thủy tinh thể). Viễn thị bệnh lí thường xuất hiện do phát triển bất thường trục mắt, chấn thương, đục thủy tinh thể, bệnh nhãn cầu bé không hoặc có bất thường cấu trúc đi kèm (nanophthalmos và microphthalmia), hay tật dị mống mắt (aniridia), u nhãn cầu (nội nhãn hay sau nhãn cầu), phù hoàng điểm (trung tâm của võng mạc) trong bệnh tách lớp võng mạc liên quan nhiễm sắc thể X (X-linked retinoschisis), v.v…

Trẻ đẻ thường thường viễn thị. Trẻ 6-9 tháng và 12 tháng có tỷ lệ viễn thị lần lượt là 4-9% và 3.6%. Ở Mỹ, thường tật viễn thị chiếm 26.9% trẻ gốc châu Mỹ la tinh, 25% ở trẻ da trắng, 20.8% ở trẻ gốc Phi, và 13% ở trẻ gốc Á và không có sự khác biệt giữa nam và nữ và có mang tính di truyền gia đình. Một số nghiên cứu cho thấy tật liên quan tới hút thuốc trong thời kì thai nghén, nhẹ cân khi sinh, khả năng tư duy thấp hơn của trẻ, người sống ở nông thôn và bệnh tiểu đường.

Làm gì khi con bạn bị viễn thị?

Nếu con bạn phàn nàn nhìn gần không rõ, cảm giác căng thẳng, đau mắt (asthenopia) hoặc đau đầu, nhất là khi đọc hay nhìn vào ipad/máy tính/điện thoại thông minh, hoặc con bạn có biểu hiện lác trong đó hai mắt hướng về phía mũi (accommodative esotropia), bạn nên cho con bạn đi kiểm tra bác sĩ mắt. Thường trẻ nhỏ độ viễn thị +1 D không có ý nghĩa về mặt chức năng và thường trẻ có thể tự điều chỉnh bằng điều tiết (facultative hypermetropia). Tuy nhiên, viễn thị cao hơn thường gây triệu chứng và nếu trẻ viễn ở mức +5.25 đi ốp hoặc hơn, trẻ sẽ có một số nguy cơ như giả phù gai thị (pseudopapilledema = gai thị không rõ  trong khi các cấu trúc mạch máu và võng mạc quanh gai thị hoàn toàn bình thường). Mặc dù viễn thị được coi là một trong những yếu tố nguy cơ quan trọng của bệnh thiên đầu thống góc đóng tiên phát (primary angle-closure glaucoma) một nghiên cứu gần đây của Hà Lan đặt dấu hỏi cho mối liên quan này: http://www.hindawi.com/journals/joph/2013/630481/.

Bác sĩ mắt thường đo thị lực trẻ, đánh giá chức năng chung của hai mắt, nhỏ cyclogyl 1% để làm giãn đồng tử nhằm loại bỏ tác dụng của điều tiết, khám máy sinh hiển vi (slit lamp) để đánh giá tổng thể cấu trúc mắt, dùng máy đo khúc xạ tự động (autorefactor/retinomax hoặc retinoscopy) để đo khúc xạ trước và sau giãn đồng tử, và trong một số trường hợp có thể chụp OCT (optical coherent topography) để loại trừ các bất thường ở hoàng điểm.

Con bạn được điều trị và theo dõi như thế nào?

Thường trẻ viễn thị dưới +1 đi ốp không có biểu hiện lâm sàng không cần điều trị. Trẻ có triệu chứng viễn thị cần đeo kính (convex lenses) hoặc kính áp tròng tùy theo lứa tuổi. Bệnh viện Morfields ở Anh (bệnh viện mắt nổi tiếng nhất châu Âu) khuyến cáo nếu trẻ viễn > 4 đi ốp, nên điều chỉnh 2/3 độ khúc xạ cầu tương đương (Spherical equivalent) và toàn bộ độ loạn (astigmatism). Mục đích là đưa tiêu điểm (focal point) về võng  mạc, do đó trẻ không cần phải điều tiết, dẫn tới không có các biểu hiện lâm sàng như đề cập ở trên.

Các phương pháp điều trị laser chỉ nên cân nhắc ở lứa tuổi sự thay đổi khúc xạ hầu như không còn nữa, thường giữa 20-30 tuổi và cần cân nhắc tới những yếu tố nguy cơ trước và sau điều trị khi đưa ra quyết định (xem thêm các phương pháp mổ điều trị tật khúc xạ).

Chúc bạn có được quyết định đúng đắn cho con mình!

Tài liệu tham khảo

  1. Ip JM, et al. Prevalence of hyperopia and associations with eye findings in 6 and 12 year olds. Ophthalmology. 2008: 115(4):678-685
  2. Kempen JH, et al. The Prevalence of refractive errors among adults in the United States, Western Europe, and Australia. Archives of Ophthalmology. 2005: 122:495-505.
  3. Borchert MS, et al. Risk Factors for Hyperopia and Myopia in Preschool Children: The Multi-Ethnic Pediatric Eye Disease and Baltimore Pediatric Eye Disease Studies. Ophthalmology. 2011: 118:1966-1973.
  4. Multi-Ethnic Pediatric Eye Disease Study Group. Prevalence of myopia and hyperopia in 6- to 72-month-old African American and Hispanic children: the multiethnic pediatric eye disease study. Ophthalmology. 2010: 117:140-147.
  5. Wen G, et al. Prevalence of myopia, hyperopia, and astigmatism in non-Hispanic white and asian children: multiethnic pediatric eye disease study. Ophthalmology. 2013: 120:2109-2116.
  6. Williams WR, et al. Hyperopia and educational attainment in a primary school cohort. Archives of Disease in Childhood. 2005: 90:150-153.
  7. Williams C, et al. A comparison of measures of reading and intelligence as risk factors for the development of myopia in UK cohort of children. British Journal of Ophthalmology. 2008: 92:1117-1121.
  8. Padhye AS, et al. Prevalence of uncorrected refractive error and other eye problems among urban and rural school children. Middle East African Journal of Ophthalmology. 2009: 16:69-74.
  9. Moorfields Manual of Ophthalmology. Second Edition. Timothy L Jackson. 2014 JP Medical Ltd. Page 573.
  10. Begheri et al. Retinoschisis and hyperopia associated with partial monosomy of 6q and partial trisomy of 11q. Ophthalmic Genet. 2014 Jun;35:107-11. doi: 10.3109/13816810.2013.776088. Epub 2013 Nov 19.

Nguồn tại đây: https://giaidapbenhmatthongthuong.wordpress.com

Exit mobile version