Hỏi: Con trai tôi 6 tuổi, bị sụp mi mắt bẩm sinh, có đến khám tại bệnh viện Mắt TP.Hồ Chí Minh, Bác sỹ bảo mang kiếng chờ 8 tuổi thì mổ. Gần khám lại, Bác sỹ khác bảo nên mổ liền.
Xin hỏi:
– Tôi nên đưa con đi mổ lúc này hay chờ 8 tuổi?
– Nếu mổ thì ở đâu là tốt nhất? Giá cả? Nằm viện?
– Cần chú ý gì để chăm sóc mắt cho cháu?
Trả lời:
Theo câu hỏi của chị, con trai của chị 6 tuổi, được chẩn đoán sụp mi bẩm sinh, chúng tôi cần biết thêm chi tiết: Cháu bị sụp mi bẩm sinh 1 hay 2 mắt, độ sụp mí để có thể trả lời 1 cách cụ thể hơn.
Một số khả năng có thể đối với con chị:
– Nếu cháu bị sụp mi 1 mắt: mức độ nặng (> 3 độ) cần phẫu thuật ngay không kể đến yếu tố tuổi của trẻ. Vì việc che phủ mi mắt 1 bên trong 1 thời gian dài sẽ làm cho mắt này không được sử dụng, và sẽ nhìn kém đi (giảm thị lực khó hồi phục).
– Nếu cháu bị sụp mi 1 mắt ở mức độ nhẹ đến vừa (độ 1- 2) tùy trường hợp, kèm theo sẽ được khám và đánh giá sức cơ nâng mí mắt của cháu. Nếu có thể sẽ giữ cơ nâng mí thêm 1 thời gian ngắn để việc phát triển về thể chất của trẻ được tốt hơn rồi sẽ phẫu thuật. Việc kéo dài thời gian theo dõi này nhằm mục đích tránh tái phát khi can thiệp phẫu thuật ở trẻ quá nhỏ.
– Nếu là sụp mi 2mắt: cần loại trừ nguyên nhân sụp mi do nhược cơ (cũng là bệnh bẩm sinh) và cũng tùy mức độ sụp mi để can thiệp phẫu thuật.
Chị cần đưa con đến khám tại khoa mắt Nhi bệnh viện Mắt TP.Hồ Chí Minh để hiểu rõ về bệnh của con mình cũng như thời gian để can thiệp phẫu thuật như thế nào là tốt nhất cho trẻ.
Trong thời gian chờ đợi đến khám bác sỹ bạn nên chú ý về tình trạng mắt của con. Chú ý vén mi mắt bị sụp để trẻ nhìn và quan sát trẻ có bị lé hay không? Một số các chuyên gia về sụp mí khuyên cha mẹ nên vén mi mắt cho trẻ bằng băng keo (dán mí) trong khi chờ phẫu thuật để mắt trẻ làm việc tránh nhược thị.
BSCKII.Nguyễn Ngọc Châu Trang
Hỏi: Cháu tôi 6 tuổi, bị bệnh về mắt, đến khám tại BV Mắt TP.HCM Bác sỹ chẩn đoán tồn tại ống Choquet (ống Love). Hỏi có cách nào điều trị được không? Nếu được thì điều trị ở đâu?
Xin Bác sỹ cho lời khuyên:
– Hai mắt cháu tôi như thế có nên đến trường không?
– Nếu không điều trị được thì nên bảo vệ mắt như thế nào?
Trả lời:
Bé 6 tuổi được chẩn đoán là tồn tại ống Cloquet, còn ống Cloquet là bệnh bẩm sinh do bất thường trong thời kỳ phôi thai. Đây là ống động mạch giúp nuôi dưỡng nhãn cầu trong lúc phôi thai, khi sinh ra ống này phải tiêu đi và sự nuôi dưỡng nhãn cầu không do cơ chế này. Sự tồn tại của ống này là bất thường bẩm sinh, thường gây giảm hoặc mất thị lực ở trẻ. Tùy mức độ tồn tại này nhiều hay ít, xuất hiện một mắt hay cả hai mắt sẽ ảnh hưởng đến thị lực và chức năng thị giác của trẻ, dị tật này thường đi kèm tật khúc xạ. Gia đình nên đưa bé đến khám và theo dõi tại Bệnh viện Mắt TP.Hồ Chí Minh để được tư vấn và hướng dẫn cách chăm sóc cũng như cách bảo vệ thị lực còn lại của trẻ. Trẻ có thể hòa nhập với trẻ lành mạnh nếu là một mắt. Nếu ở cả hai mắt, trẻ sẽ có thị lực thấp hoặc rất kém cần cho trẻ có môi trường sinh hoạt và hoạt động riêng tránh những tai nạn gây mất thị lực hoàn toàn.
Nếu bé bị nhẹ, vẫn có thể đến trường học được, nhưng nên xin cho bé học ngồi bàn đầu. Bé có thể điều chỉnh khúc xạ ở bệnh viện để có được thi lực tốt nhất.
Còn nếu tình trạng ống Cloquet nặng, có thể phải cho bé học ở trường riêng .
Bệnh không thể điều trị được.
BSCKII. Nguyễn Ngọc Châu Trang
Hỏi: Con tôi năm nay 6 tuổi, bị lé từ năm 3 tuổi, nhưng không phải lé thường xuyên, chỉ những lúc hay suy nghỉ, thiếu ngủ, mệt mỏi và khi bị bệnh…Đi khám mắt 2 lần ở Trung tâm Mắt đường Điện Biên Phủ TP. Lần nào bác sỹ cũng cho cây que bảo về nhà cho cháu qui tụ mắt (ngày 2lần). Nhưng đến nay vẫn không khỏi (theo tôi nghỉ do thần kinh của cháu nên ảnh hưởng đến mắt). Vậy xin hỏi bác sỹ cách và nơi chữa trị. Xin cảm ơn.
Trả lời:
Cháu được 6 tuổi, bị lé từ năm 3 tuổi, chỉ lé từng lúc khi mệt mỏi, thiếu ngủ và khi bị bệnh. Ông không tả rõ, nhưng có lẽ là những lúc như vậy và những khi bé nhìn xa mắt bé bị lệch ra ngoài. Các trường hợp này gọi là lé ngoài từng lúc. Vì chỉ lé từng lúc nên có thể chưa ảnh hưởng tới các chức năng mắt: ví dụ như không gây nhìn kém trên mắt lé, chức năng nhìn kết hợp hai mắt vẫn tốt…Trong trường hợp này chỉ có điều trị duy nhất là mổ chỉnh cơ để hai mắt ngay lại.
Riêng trường hợp con ông đã đi khám tại Phòng khám lé Bệnh viện Mắt, có lẽ các chức năng mắt của con ông còn tốt hết nên không có các chỉ định điều trị về chức năng và chưa có chỉ định phẫu thuật. Điều trị cho cháu chỉ là tập qui tụ hàng ngày để giúp kiểm soát độ lé không cho tiến triển thêm, hẹn tái khám từ 4 – 6 tháng một lần để kiểm tra lại tình trạng mắt. Sẽ quyết định mổ chỉnh lé cho cháu khi phát hiện tình trạng lé có ảnh hưởng trên chức năng mắt hoặc chờ khi bé trên 10 tuổi (vì khi đó mổ chỉnh lé chỉ chích tê tại mắt, còn dưới 10 tuổi mổ lé cần gây mê toàn thân, nên chỉ quyết định mổ lé trẻ dưới 10 tuổi khi thật cần thiết). Cháu con ông đã được hướng dẫn tập qui tụ thì có lẽ đã có hồ sơ theo dõi ở Phòng Khám lé, ông nên theo chỉ định điều trị, đi tái khám đúng hẹn và nếu có thắc mắc về tình trạng lé của cháu nên hỏi trực tiếp bác sỹ điều trị sẽ được trả lời cụ thể hơn về tình trạng của cháu.
Kính chào ông và chúc sức khỏe gia đình ông.
TS.BS. Nguyễn Thị Xuân Hồng