Site icon Kính mắt Việt Hàn

Bệnh Đục Thủy Tinh Thể (Cườm)

Bệnh đục thủy tinh thể là gì?

Bình thường, ánh sáng đi vào mắt qua giác mạc, tiền phòng (khoảng giữa giác mạc và mặt phẳng tạo bởi mống mắt và thủy tinh thể), đồng tử (khe tạo bởi mống mắt), thủy tinh thể, dịch kính, và được hội tụ vào võng mạc nhờ vào độ khúc xạ (khả năng thay đổi hướng đi và hội tụ tia sáng tới võng mạc) của giác mạc và thủy tinh thể (Hình 1A).

Thủy tinh thể là một thấu kính trong suốt nằm sau mống mắt, trong BAO THỦY TINH THỂ và hoàn toàn trong suốt. Độ trong của thủy tinh thể cũng như khả năng đàn hồi của thủy tinh thể giúp cho việc điều tiết của mắt (điều chỉnh ánh sáng hội tụ vào võng mạc khi vật thể ở những khoảng cách khác nhau).

Thành phần chính của thủy tinh thể là nước và proteins. Do nhiều lý do khác nhau, nhất là khi chúng ta CÓ TUỔI, PROTEINS CỦA THỦY TINH THỂ VÓN LẠI, làm thủy tinh thể mất đi độ trong của mình và dần trở nên VÀNG (hình 1B) hoặc TRẮNG ĐỤC, VÀ DẦN TRỞ NÊN CỨNG, dẫn đến GIẢM HỘI TỤ ÁNH SÁNG Ở VÕNG MẠC, GIẢM THỊ LỰC, VÀ GIẢM ĐỘ TƯƠNG PHẢN CỦA HÌNH ẢNH.

Hình 1. 1A. Hội tụ của mắt vào võng mạc; 1B. Hình ảnh khi thăm khám bởi bác sỹ mắt của thủy tinh thể bình thường và thủy tinh thể bị đục.

Mức độ thường gặp, nguyên nhân của bệnh đục thủy tinh thể

Trên thế giới hiện nay có khoảng 54 triệu người mắc đục thủy tinh thể, tập trung chủ yếu ở các nước đang phát triển (52 triệu người). Bệnh là nguyên nhân hàng đầu gây nên mù lòa (chiếm 51% trường hợp mù lòa toàn cầu hay khoảng 20 triệu người).

Ở Việt Nam chúng ta khoảng 2 triệu người bị mù, 61% số đó là do đục thủy tinh thể. Nhu cầu điều trị bệnh này vì vậy rất cao.

Nguyên nhân phổ biến nhất gây đục thủy tinh thể là tuổi tác gây biến đổi proteins có trong thành phần của thủy tinh thể, làm thay đổi độ trong của nó. Các bệnh như TIỂU ĐƯỜNG, TĂNG HUYẾT ÁP CÓ THỂ LÀM CHO ĐỤC THỦY TINH THỂ TIẾN TRIỂN NHANH HƠN. Nhiều BỆNH MẮT khác có thể gây đục thủy thể như bệnh viêm võng mạc sắc tố (retinitis pigmentosa), bệnh mù lòa bẩm sinh LCA (Leber congenital amaurosis), các hội chứng như Wagner hay Stickler, bệnh glôcôm góc đóng, hoặc bệnh viêm màng bồ đào mãn tính (chronic uveitis), v.v… Nhiều BỆNH TOÀN THÂN khác cũng liên quan tới đục thủy tinh thể có thể kể đến như bệnh loạn dưỡng tăng trương lực cơ (myotonic dystrophy), bệnh viêm da cơ địa (atopic dermatitis), bệnh giảm calci máu các hội chứng như Down, Cri-du-chat, Patau’s, Turner, v.v… CÁC YẾU TỐ BÊN NGOÀI gây đục thủy tinh thể có thể nói đến bao gồm: TIA TỬ NGOẠI của ánh sáng mặt trời, CHẤN THƯƠNG MẮT trong đó có thủy tinh thể, HÚT THUỐC (http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/1501324). Rất nhiều thứ THUỐC CÓ THỂ GÂY ĐỤC THỦY TINH thể, trong đó có:  các corticosteroid, các thuốc điều trị tâm thần nhóm phenothiazine, thuốc co đồng tử hay triparanol.

Các biểu hiện thường gặp khi có bệnh đục thủy tinh thể

Đục thủy tinh thể thường gây NHÌN MỜ (mất khả năng nhìn xa hoặc đọc) ở một hoặc hai mắt. Biểu hiện này thường diễn ra một cách từ tử và tiến triển hàng tháng đến hàng năm. Bạn có thể thấy các biểu hiện NHÌN LÓA, nhất là khi bạn nhìn vào ánh đèn của xe máy hoặc ô tô hướng đối diện khi đi buổi tối, hoặc GIẢM CẢM NHẬN MÀU SẮC.

Khi nào thì bệnh đục thủy tinh thể cần điều trị?

Việc chỉ định mổ hay không mổ đục thủy tinh thể PHỤ THUỘC NHIỀU YẾU TỐ, TRONG ĐÓ YẾU TỐ BỆNH NHÂN THƯỜNG ĐÓNG VAI TRÒ RẤT QUAN TRỌNG vì chung quy tất cả việc điều trị là nhằm hồi phục thị lực mắt của bạn. Tùy theo mức độ đục của thủy tinh thể, các bệnh lý mắt kèm theo, và bác sỹ mắt của bạn có thể xác định có nên can thiệp hay không và phương thức mổ như thế nào. Thêm vào đó mức độ giảm thị lực, nghề nghiệp và những hoạt động hàng ngày của bạn cũng đóng vai trò quan trọng. Tôi từng có một bệnh nhân người Việt khoảng hơn 50 tuổi sống ở Hà Lan nhiều năm, làm cho một nhà máy lắp ráp gì đó ở phía Bắc. Khi anh đến khám tôi thấy anh có biểu hiện trầm cảm và anh cũng nói là anh vừa bị vợ bỏ, mất việc vì mắc một số lỗi trong quá trình lắp ráp thiết bị, nhìn không được rõ và không biết là bị bệnh gì. Qua thăm khám thấy anh vừa bị bệnh võng mạc tiểu đường, vừa bị đục thủy tinh thể. Sau khi anh được mổ thủy tinh thể thì anh trở thành một con người gần như không còn trầm cảm nữa và đã tìm được việc mới. Những người lái xe tải, lái máy bay cần có thị lực tốt nên chỉ định mổ có thể sớm hơn bình thường. Ngược lại rất nhiều bệnh nhân cao tuổi mặc dù đã có đục thủy tinh thể tiến triển khá lâu nhưng không có nhu cầu mổ vì bệnh không ảnh hưởng đáng kể tới hoạt động thường ngày của họ.

Mổ đục thủy tinh thể được tiến hành như thế nào?

Tùy theo độ rắn của thủy tinh thể mà bác sỹ mắt của bạn có thể chỉ định mổ bằng phương pháp phaco (phương pháp phổ biến nhất), hoặc mổ bằng phương pháp ngoài bao cổ điển (khi thủy tinh thể quá rắn và không thể mổ bằng phương pháp phaco). Những năm gần đây phương pháp mổ bằng phemtosecond cũng được đưa vào áp dụng nhằm cải tiến sự an toàn của mổ đục thủy tinh thể, đem lại những hứa hẹn lớn trong tương lai.

Bạn có thể được mổ dưới hình thức gây tê bằng thuốc nhỏ (topical anesthesia), bằng tiêm hậu nhãn (retrobulbar anesthesia), hoặc tiêm quanh nhãn cầu (epibulbar anesthesia). Mỗi phương pháp có những ưu điểm riêng nên bạn nên tham khảo ý kiến của bác sỹ của bạn để chọn cho mình phương pháp gây tê phù hợp.

Dù mổ bằng phương pháp nào thì ca phẫu thuật vẫn phải qua 3 BƯỚC LỚN: BƯỚC 1. Mở mặt trước của bao thủy tinh thể để có thể tiếp cận với thủy tinh thể. BƯỚC 2. Tán nhỏ và lấy thủy tinh thể và làm sạch bao vỏ thủy tinh thể qua hệ thống rửa/hút IA (Irrigation-aspiration) được đưa vào qua 2 vết mổ phụ nhỏ. BƯỚC 3. Đặt thủy tinh thể nhân tạo vào bao.

Trong phương pháp mổ phaco SÓNG SIÊU ÂM TỪ ĐẦU CỦA THANH PHACO SẼ TÁN THỦY TINH THỂ THÀNH VÀI MẢNH NHỎ và được hút ra ngoài qua hệ thống ống dẫn trong đầu của thanh phaco. Phương pháp này hiện vẫn là tiêu chuẩn vàng cho việc điều trị đục thủy tinh thể vì vết mổ nhỏ, hồi phục nhanh, tỷ lệ biến chứng thấp, và mức độ loạn thị do mổ (phacoemulsification induced astigmatism) thấp. Bước mở vỏ bao cũng như chia thủy tinh thể thành những mảnh nhỏ gần đây được tự động hóa nhờ những tiến bộ của phương pháp mổ bằng phemtosecond:

Trong phương pháp mổ ngoài bao, thủy tinh thể nguyên vẹn (quá cứng, không thể tán nhỏ bằng phaco) được đưa qua đường mở ở bao vỏ thủy tinh thể và ra ngoài qua một vết mổ lớn hơn so với vết mổ phaco. Tốc độ hồi phục, tỷ lệ biến chứng cũng như mức độ loạn thị do mổ của phương pháp này là những nhược điểm so với phaco.

Bạn cần làm gì sau mổ đục thủy tinh thể?

Sau khi mổ bạn sẽ thường được về nhà. Bác sỹ của bạn sẽ làm cuộc hẹn (thường là ngày hôm sau hoặc sau 1 tuần) nhằm đánh giá lại thị lực của bạn, đo độ khúc xạ của mắt và cho những lời khuyên sử dụng thuốc và biện pháp tránh nhiễm trùng cần thiết. Bạn nên sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sỹ và làm theo những điều bác sỹ dặn vì những điều này rất quan trọng cho sự hồi phục của mắt cũng như duy trì thị lực của bạn sau mổ.

Trong tuần đầu thường bạn không nên dụi mắt, không bê những vật nặng, dùng kính nếu đi ra ngoài hoặc nếu không có kính băng che mắt. Vào đêm bạn cần dùng một miếng nhựa che mắt để tránh vô tình dụi mắt trong lúc ngủ. Trong 2 tuần đầu bạn không nên tự lái xe máy hoặc ô tô.

Vì thủy tinh thể nhân tạo nằm chưa cố định trong bao của thủy tinh thể nên trong 2 tuần đầu bạn có thể thấy ánh sáng đèn thường nhấp nháy hơn bình thường (flickering). Biểu hiện này dần sẽ mất đi sau 2 tuần khi thủy tinh thể nhân tạo đã được dính cố định vào bao thủy tinh thể. Một số người có thể nhìn thấy một gờ hình bán nguyệt ở một vị trí cố định, do bạn nhìn vào gờ của thủy tinh thể nhân tạo.

Tôi đã được mổ thay thủy tinh thể nhưng tại sao vẫn không nhìn rõ?

Thủy tinh thể chỉ là một phần nhỏ của mắt. Do đó sau khi mổ đục thủy tinh thể, mặc dù thủy tinh thể của bạn đã trong trở lại, tạo điều kiện cho ánh sáng đi vào mắt và hướng tới võng mạc nhưng NẾU BẠN CÓ VẤN ĐỂ Ở NHỮNG BỘ PHẬN KHÁC CỦA MẮT (VÍ DỤ BỆNH CỦA VÕNG MẠC, CỦA DÂY THẦN KINH THỊ, BỆNH CỦA HOÀNG ĐIỂM, HOẶC BỆNH CỦA GIÁC MẠC), hoặc có biến chứng trong và sau mổ thì thị lực của bạn vẫn có thể bị giới hạn. HỎI BÁC SỸ CỦA BẠN CẶN KẼ tiên lượng về thị lực sau mổ.

Nếu thị lực của bạn tốt sau mổ và dần giảm sau một thời gian, bạn có thể bị ĐỤC BAO SAU (posterior capsular opacification). Thị lực có thể hồi phục lại bằng phương pháp YAG-laser bao sau. Làm cuộc hẹn với bác sỹ của bạn để có thể được thăm khám và nếu cần điều trị.

Vậy những biến chứng gì có thể xảy ra?

Mặc dù TỶ LỆ BIẾN CHỨNG RẤT THẤP so với những phẫu thuật khác, vẫn có một tỷ lệ nhỏ những người mổ cườm sẽ có thể có biến chứng. MỘT SỐ BIẾN CHỨNG CHÍNH liên quan tới phaco bao gồm:

Rách mặt sau của bao thủy tinh thể: xảy ra trong quá trình mổ, dẫn tới mất khả năng đặt thủy tinh thể nhân tạo vào bao, và có thể gây vỡ tràn dịch kính vào tiền phòng. Đây là biến chứng đòi hỏi bác sỹ của bạn sẽ phải lấy sạch dịch kính ở tiền phòng (để tránh gây viêm nhiễm kéo dài và gây co kéo, thậm chí bong võng mạc sau mổ), và đặt thủy tinh thể nhân tạo vào khoảng giữa mống mắt và mặt trước của bao thủy tinh thể.
Viêm nội nhãn: đây LÀ BIẾN CHỨNG NGHIÊM TRỌNG NHẤT thường dẫn tới kết quả thất vọng của điều trị trong nhãn khoa và thường diễn ra trong vài ngày đầu sau mổ. Nguyên nhân thường do vô trùng không tốt trong quá trình mổ, sử dụng các vật dụng, ví dụ như sử dụng mực màu nhuộm bao không đảm bảo http://doisong.vnexpress.net/tin-tuc/gia-dinh/hang-loat-benh-nhan-bi-nhiem-trung-mat-sau-mo-phaco-2272746.html, hoặc bạn có những yếu tố nguy cơ tiềm ẩn như viêm bờ mi (blepharitis) chưa được điều trị đầy đủ trước mổ. NẾU BẠN CÓ BIỂU HIỆN ĐAU NHỨC MẮT NGÀY HÔM SAU PHẪU THUẬT, THỊ LỰC TỐT SAU MỔ, SAU ĐÓ GIẢM thì đừng ngần ngại GỌI ĐIỆN NGAY CHO BÁC SỸ CỦA BẠN vì biến chứng này trong một số trường hợp vẫn có thể có kết quả khả quan nếu được điều trị kịp thời, đúng phác đồ bằng kháng sinh mạnh + steroids. Ở Groningen, Hà Lan phác đồ điều trị việc này thường là kết hợp vancomycine + ceptazidime + dexamethason nội nhãn kết hợp vancomycine + gentamycine + pred forte + atropine 1% tại chỗ, và chỉ được tiến hành ở cơ sở có nhiều kinh nghiệm như khoa mắt của trường đại học Groningen. Trong một số trường hợp khi việc phân biệt biến chứng này với viêm màng bồ đào phản ứng sau mổ khó khăn, bác sỹ có thể sử dụng thuốc nhỏ dexamethason trong một vài giờ và theo dõi, đánh giá lại để có được chẩn đoán chắc chắn.
Tăng nhãn áp tạm thời sau mổ: Trong quá trình mổ phaco, một lượng chất nhày được sử dụng để bảo vệ nội mô giác mạc (mặt trong của giác mạc). Những chất này nếu trong giai đoạn cuối của cuộc mổ không được lấy hết có thể gây tình trạng tăng nhãn áp, gây NHỨC ĐẦU, ĐAU QUANH HỐC MẮT HOẶC Ở PHẦN LÔNG MÀY CỦA MẮT VỪA MỔ và có thể tạo cảm giác buồn nôn. Gọi cho bác sỹ của bạn để có được lời khuyên.
Bong màng sau dịch kính (vitreous detachment) và bong võng mạc (retinal detachment): thủy tinh thể nhân tạo thường dẹt trong khi đó thủy tinh thể tự nhiên thường lồi hai mặt. Vì thế sau mổ dịch kính sẽ dịch chuyển một chút ra phía trước. Đôi khi sự dịch chuyển này là đáng kể và sẽ tạo ra lực co kéo phía mặt sau dịch kính gây bong màng sau dịch kính và trong trường hợp hãn hữu có thể tạo lỗ hổng võng mạc (retinal defect) hoặc thậm chí gây bong võng mạc. Đây là biến chứng có thể gây nguy hiểm cho thị lực nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. NẾU BẠN CÓ BIỂU HIỆN TỰ NHIÊN NHÌN MỜ HƠN GIAI ĐOẠN HẬU PHẪU TRƯỚC ĐÓ VÀ NHÌN THẤY NHỮNG ĐIỂM ĐEN DI ĐỘNG TRÊN THỊ TRƯỜNG, BIỂU HIỆN ĐOM ĐÓM MẮT (FLASHING LIGHTS), HOẶC NHÌN THẤY MỘT ĐIỂM ĐEN/GIỌT NƯỚC LUÔN CỐ ĐỊNH Ở MỘT ĐIỂM, CÓ THỂ LỚN LÊN, LIÊN HỆ NGAY VỚI BÁC SỸ CỦA BẠN.
Phù hoàng điểm (trung tâm võng mạc): tích tụ dịch tiết gây ra bởi phản ứng viêm sau mổ ở hoàng điểm sẽ gây hạn chế thị lực sau mổ và bạn luôn có cảm giác như nhìn qua một cốc nước. Thường bác sỹ của bạn có thể sẽ chỉ định chụp Optical Coherence Tomography (OCT) để phát hiện những biến chứng này và điều trị bằng những thuốc nhỏ chống viên không steroids kết hợp với steroids, có thể cả thuốc lợi tiểu nhóm Acetazolamide và đôi khi cả tiêm dưới kết mạc steroids.
Phản ứng viêm kéo dài ở tiền phòng: thường sau mổ bao giờ cũng có một chút tế bào viêm tồn tại ở tiền phòng và những tế bào này sẽ dần mất đi trong tháng đầu khi bạn sử dụng các thuốc nhỏ mắt được cấp hậu phẫu. Một số trường hợp phản ứng này có thể kéo dài hơn bình thường. Nếu bạn sau một tháng điều trị vẫn còn CẢM GIÁC NÓNG BỎNG Ở MẮT, MẮT NHẠY CẢM VỚI ÁNH SÁNG thì nên liên lạc lại với bác sỹ mắt của bạn để làm cuộc hẹn. Biến chứng này thường hết khi được điều trị vài tuần bằng thuốc nhỏ dạng steroids.
Mắt đỏ sau mổ: MẮT ĐỎ Ở KẾT MẠC ngày hôm sau mổ mặc dù NHÌN THẤY TỐT VÀ KHÔNG CÓ BIỂU HIỆN ĐAU CÓ THỂ DO CHẢY MÁU DƯỚI KẾT MẠC, hoặc do gây tê, hoặc do quá trình tạo vết mổ trong quá trình phaco để đưa thanh phaco hoặc dụng cụ IA vào. Điều này không đáng lo và NÓ SẼ TỰ HẾT sau vài ngày.
Phù nề giác mạc: Năng lượng tạo ra trong quá trình mổ phaco có thể tác động tới nội mô của giác mạc, nhất là ở những người đã có những biểu hiện loạn dưỡng nội mô giác mạc (corneal endothelial dystrophy), dẫn tới phù nề giác mạc. Thường điều này sẽ được cải thiện và mất đi sau một thời gian dùng steroids. Một số trường hợp hãn hữu, ví dụ bệnh giác mạc bọng – bulous keratopathy sau phaco có thể kéo dài, thậm chí gây hạn chế thị lực vĩnh viễn hoặc là chỉ định để thay giác mạc.
Tóm lại, mổ đục thủy tinh thể, chủ yếu bằng phương pháp phaco là phương pháp hữu hiệu và an toàn, đem lại ánh sáng và thị lực cho những người mắc bệnh này. Những chú ý sau mổ bao gồm:

– Tuân thủ lời dặn của bác sỹ, kể cả nhỏ thuốc theo chỉ định

– Gọi cho bác sỹ trong trường hợp:

+ Thị lực tốt sau mổ tự nhiên nhìn mờ, mắt đau, đỏ,

+ Đau quanh hốc mắt, quanh lông mày, và có cảm giác buồn nôn

+ Nhìn thấy đom đóm mắt, nhìn mờ và có những điểm đen di động trên thị trường, hoặc có một điểm đen ở một điểm cố định, có thể to dần lên,

+ Nhìn mờ ngày hôm sau mổ,
+ Mắt vẫn đỏ và nhạy cảm với ánh sáng sau khi ngừng nhỏ thuốc được kê hậu phẫu.

Chúc các bạn thành công!

Bác sỹ mắt Mai Thế Anh.

Exit mobile version